Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 16

  • Hôm nay 16809

  • Tổng 7.573.980

Sở Tư pháp Quảng Bình phát hành tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở

11:27, Thứ Sáu, 1-10-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Công văn số 209/STP-PBGDPL ngày 15/02/2017 của Sở Tư pháp Quảng Bình về việc cung cấp tài liệu tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp xã, vừa qua, Sở Tư pháp Quảng Bình đã phát hành tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở tháng 10/2021.

Theo đó, nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid – 19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với kinh tế, xã hội, đặc biệt là đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, tài liệu đã truyền tải một số nội dung của Quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trong đó, Quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 quy định đối tượng áp dụng của Quyết định này bao gồm: người lao động không có giao kết hợp đồng lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị nghỉ việc, ngừng việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày liên tục trở lên, trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 để phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể người lao động tự do làm các nghề, công việc sau đây:
- Thu gom phế liệu, bốc vác ở bến tàu, bến xe;
- Lái xe mô tô 02 bánh chở khách (xe ôm), lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô chở khách, lái xe điện 04 bánh chở khách du lịch;
- Bán lẻ vé xổ số kiến thiết lưu động (không bao gồm đại lý);
- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;
- Lao động trong các cơ sở giữ trẻ tại nhà;
- Lao động tự làm hoặc làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (bao gồm tiệc cưới lưu động); cơ sở lưu trú du lịch; các đơn vị khai thác các sản phẩm du lịch, khu, điểm tham quan du lịch (bao gồm nhân viên khuân vác, đầu bếp, người phục vụ, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm, lái thuyền và nhân viên phục vụ thuyền vận tải chở khách du lịch); chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, tiệm nail); lĩnh vực dịch vụ (karaoke, spa, quán internet, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, phòng trà, quán cafe, phòng tập gym, yoga, zumba, khu vui chơi, thể dục thể thao).
Cũng theo quy định của Quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 06/8/2021, điều kiện hỗ trợ là: bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn 1.500.000 đồng/người/tháng với khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng/người/tháng (mức chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025) và gặp khó khăn trong cuộc sống; từ 15 tuổi trở lên đối với các đối tượng được nêu trên; cư trú hợp pháp tại địa phương (thường trú hoặc tạm trú); có thời gian làm công việc được nêu ở trên từ 30 ngày liên tục trở lên (tính đến thời điểm hỗ trợ) và có thu nhập chính từ công việc này.
Mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người và hỗ trợ một lần bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở tháng 10/2021 cũng đã truyền tải một số nội dung của Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 thì đối tượng áp dụng của Nghị quyết bao gồm: người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Mức hỗ trợ được Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 quy định như sau:
Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau:
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.  
Ngoài ra, tài liệu tiếp tục tuyên truyền quy định của pháp luật về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; quy định của pháp luật về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; quy định của pháp luật về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Tài liệu được phát hành dưới hình thức văn bản, bản ghi âm và đã được gửi qua hộp thư điện tử của Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời được đăng tải trên Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp Quảng Bình www.stp.quangbinh.gov.vn - Mục Phổ biến giáo dục pháp luật và Mục Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trần Công Trung

Các tin khác