Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 595

  • Tổng 7.073.358

Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tự phê bình và phê bình

8:13, Thứ Ba, 13-2-2018

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tính tiên phong, gương mẫu là thuộc tính của đảng viên Đảng Cộng sản, là dấu hiệu để phân biệt đảng viên với người ngoài Đảng. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và F.Ăng ghen viết: “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản là ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”[1].


[1] C.Mác, Ph.Ăng ghen, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 614- 615.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[1]. Ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Một trong những yêu cầu đặt ra là phải thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên - nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở...”[2]. Trong thực tế, có nhiều trường hợp khi tự phê bình thì kể lể, tô vẽ thành tích thật to lớn, sâu sắc, nhưng đề cập đến khuyết điểm thì chỉ kể ra những khuyết điểm nhỏ cho có, né tránh những khuyết điểm lớn; khi được chỉ ra thì quanh co đổ hết trách nhiệm cho tập thể hoặc cho hoàn cảnh khách quan. Khi phê bình cấp trên, những kẻ cơ hội không thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm chính của đồng chí mình mà nghĩ ra những khuyết điểm có vẻ nghiêm trọng, nhưng thực chất đó không phải là khuyết điểm (như làm việc quá sức, không giữ gìn sức khoẻ…) để nịnh hót, tâng bốc. Một hiện tượng đáng quan ngại hiện nay là tình trạng thiếu tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình (TPB & PB), thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, giữ thái độ trung dung, ba phải, không muốn mất lòng ai, hoặc xuôi chiều theo ý kiến lãnh đạo; tình trạng này tạo điều kiện cho một số kẻ có chức, có quyền nhân danh tập thể áp đặt ý kiến cá nhân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ “Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến; một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm trong công việc được giao”[3]
Do chưa làm tốt TPB & PB nên một thực tế đáng buồn là hầu hết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực là do quần chúng nhân dân, do các cơ quan báo chí phát hiện, số vụ việc được phát hiện do đấu tranh TPB & PB từ nội bộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Có tổ chức đảng nhiều năm liền trong sạch vững mạnh, bỗng xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; có cá nhân nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tuyên dương, khen thưởng nhưng lại vi phạm pháp luật… Những biểu hiện trên tuy chưa phải là phổ biến nhưng tác hại của nó hết sức nghiêm trọng đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
          Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu ra biểu hiện thứ 5 về suy thoái tư tưởng chính trị “Trong tự phê bình còn giấu diếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật…”[4].
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong TPB & PB là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp nhận thức về việc tự kiểm điểm còn nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ, TPB & PB chưa tự giác, chưa gương mẫu và thiếu quyết tâm thực hiện. Một số cấp ủy chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện TPB & PB; chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” trong đấu tranh phê bình hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để “thanh trừng”, “hạ bệ” lẫn nhau, gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết. Trong thực tế, 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), qua TPB & PB toàn Đảng đã phát hiện và xử lý kỷ luật hơn 74.000 đảng viên ở các cấp. Trong số bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.501 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật[5]. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 9 vụ án, 64 bị can ở Trung ương, kết luận điều tra và điều tra bổ sung 11 vụ, 169 bị can; đã xét xử sơ thẩm 9 vụ, 125 bị cáo, tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân...
Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để TPB & PB thực chất và hiệu quả, điều rất quyết định chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nguyên tắc này. Chỉ khi đội ngũ cán bộ, những người đứng đầu nhận thức đúng và dũng cảm nêu gương trong TPB & PB thì tổ chức ấy, tập thể ấy mới có không khí dân chủ, biết và dám TPB & PB. Trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy phải có thái độ nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng ưu, nhược điểm của các cấp ủy viên, các đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý để kịp thời sửa chữa sai sót, yếu kém, đồng thời là “nói phải đi đôi với làm”, nghĩa là nghiêm túc sửa chữa ngay sau khi TPB & PB.
 Để phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong TPB & PB, thiết nghĩ, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần thực hiện:
Một là, thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Hồ Chí Minh cho rằng, nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bởi vậy, phương pháp nêu gương về TPB & PB là phương pháp nên được sử dụng rộng rãi để phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ là do không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và tiếp thu phê bình, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, nghiêm túc, chân thành.
       Hai là, phát huy tinh thần dân chủ trong TPB & PB của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công việc này phải được quán triệt, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tổ chức quần chúng. Chỉ tổ chức đảng nào thực hiên tốt dân chủ trong sinh hoạt Đảng thì mới phát huy được trí tuệ tập thể, chống độc đoán chuyên quyền đối với cán bộ chủ chốt; tập trung cải tiến cách tổ chức thực hiện, tạo bầu không khí đoàn kết trong Đảng bộ góp phần thắng lợi nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh đã từng cảnh tỉnh: “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””[6]. Theo Người, TPB & PB một cách nghiêm chỉnh sẽ góp phần quan trọng trong việc thức tỉnh lương tâm, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ngược lại, cán bộ, đảng viên nếu có đạo đức cách mạng sẽ luôn tự giác TPB & PB: “Khi có sai lầm thì sẵn sàng và kịp thời sửa chữa không để sai lầm nhỏ cộng lại thành sai lầm to, do đó phải biết thật thà tự phê bình và phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ”[7] Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải nghiêm túc, tự giác và có kế họach, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm”[8].
Ba là, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đóng góp ý kiến phê bình cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong thực hiện TPB & PB đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, quần chúng nhân dân có vai trò rất quan trọng. Bởi, “tai mắt” của quần chúng có mặt ở khắp mọi nơi, “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lỗi lầm mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng do cách so sánh đó, mà họ biết rất rõ”. Do vậy, cần động viên, phát huy vai trò của quần chúng mạnh dạn, thẳng thắn góp ý kiến phê bình cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tùy tình hình cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương mà có hình thức lấy ý kiến đóng góp của quần chúng cho thích hợp, có thể lập đường dây nóng, mở hòm thư góp ý để tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng đóng góp ý kiến. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thực sự khiêm tốn, cầu thị tiến bộ, chú trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp phê bình đúng đắn của quần chúng, nhất là những hạn chế, khuyết điểm để sửa mình. Kiên quyết chống mọi biểu hiện dân chủ hình thức hoặc trù dập, định kiến với người phê bình.
Nguyễn Thị Trà Giang


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 552.
[2]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng TW Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 22
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng TW Đảng, Hà Nội, 2016, tr.43
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng TW Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 29
[5] Hội đồng lý luận Trung ương (2016), Đề án “Những giải pháp có tính chất đột phá nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá trong nội bộ”
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 6, tr.127
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 6, tr. 250
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng TW Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 45.

Các tin khác