Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 16

  • Hôm nay 9273

  • Tổng 7.566.414

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, sử dụng can bộ nữ và sự vận dụng của tỉnh Quảng Bình

8:3, Thứ Sáu, 20-10-2017

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cán bộ, sử dụng cán bộ nữ  bởi Người thấy rõ tiềm năng, vai trò của phụ nữ chiếm hơn nửa dân số không chỉ là những người chăm lo hạnh phúc  tổ ấm cho từng gia đình mà còn đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhận rõ vai trò của phụ nữ, khi về thăm các tỉnh miền núi, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ủy các cấp ở  miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ phụ nữ các dân tộc”. Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc, ngày 23/3/1956, Hồ Chí Minh đã tiên lượng được vai trò của phụ nữ đối với ngành Giáo dục và đặt ra những yêu cầu để bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho họ “Sau này công tác giáo dục phần nhiều phải do phụ nữ đảm nhiệm. Muốn phụ nữ đảm nhiệm, thì phải bồi dưỡng cho phụ nữ”.

Nói chuyện tại Hội nghị thi đua Ngành Thương nghiệp lần thứ nhất, Người không khỏi chạnh lòng khi lực lượng cán bộ nữ tham gia quá ít “Trong số chiến sĩ gần một nữa cán bộ miền Nam tập kết…Nhưng chỉ có 11 phụ nữ thì quá ít. Cán bộ phụ nữ cần cố gắng hơn nữa; đoàn thể phụ nữ, cơ quan phụ trách cần chú ý dìu dắt, giúp đỡ hơn nữa để nhiều chị em có thể thay thế cho nam giới trong công việc buôn bán”[1].
Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, Người biểu dương cấp ủy đã mạnh dạn bố trí sử dụng cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ hoạt động, nhưng theo Người, việc đề bạt còn ít cần phải cất nhắc nhiều hơn nữa “Trong các ban quản đốc, đã có 2 phụ nữ. Đó là tốt, nhưng còn ít, chưa đủ. Phải cất nhắc nhiều hơn nữa”. Trong không khí chân tình, cởi mở khi trò chuyện với đoàn cán bộ Tỉnh ủy Thanh Hóa, điều mà Người quan tâm trước tiên là cán bộ nữ tham gia cấp ủy có bao nhiêu, tại sao không có đồng chí nữ cấp ủy nào đi tham dự cùng đoàn. Qua đó, Người cũng nhắc nhở phê bình cấp ủy còn chưa quan tâm cán bộ nữ, còn “trọng trai khinh gái”, Người nói “Trong Tỉnh ủy có bao nhiêu ủy viên gái? Tại sao không có đồng chí gái nào đi đây cả? Gái làm nhiều nhưng đi gặp Trung ương lại không có ai là gái. Điều đó chứng tỏ các đồng chí còn trọng trai khinh gái”[2].
Bằng sự theo dõi, tổng kết nghe báo cáo của cấp dưới cũng như đi thăm các nhà máy, nông trường, địa phương, đơn vị, Người rút ra nhận xét “Có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên”. Tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ XII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (16/1/1966), Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy cần “đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động phù hợp với phụ nữ”[3]. Đó là yêu cầu, chế định bắt buộc các cấp ủy đảng phải coi trọng đề bạt cất nhắc cán bộ nữ. Song người cũng lưu ý cán bộ nữ phải khắc phục sự tự ty, mặc cảm, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, phải cố gắng học tập để tiến bộ.  Tại hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (19/3/1964), Người nhắc nhở yêu cầu cán bộ nữ phải dồn sức học tập “Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ”.
Trong buổi gặp mặt với hơn 500 đại biểu của Quảng Bình và Vĩnh Linh ngày 16/6/1957, Bác Hồ đã chỉ ra cho đồng bào Quảng Bình - Vĩnh Linh nhiệm vụ chiến lược quan trọng: "Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết...". Theo Bác, “mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú đều ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc”, vì vậy, công tác cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong thời chiến cũng như trong thời bình bởi “cán bộ là gốc của mọi công việc”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ nữ nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh đã có những quan điểm, chủ trương quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ nữ nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo, vai trò đội ngũ cán bộ nữ trong các thời kỳ của cách mạng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ  XVI chỉ rõ “Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số”. Tuy nhiên, trong những nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp ở Quảng Bình  gần đây, số cán bộ nữ được bầu vào Ban Chấp hành chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhất là cấp huyện và cấp tỉnh. (Số lượng cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ có 4/52 đồng chí. Số lượng cán bộ nữ đứng đầu các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh và cấp phó của người đứng đầu thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiểm tỷ lệ khá khiêm tốn.
 Cụ thể: người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh 01/21 đồng chí chiếm tỷ lệ 4,76%; người đứng đầu ban, ngành trực thuộc cấp tỉnh 01/19 đồng chí chiếm tỷ lệ 5,26%; người đứng đầu Ủy ban Mặt trận và hội, đoàn thể 01/11 đồng chí chiếm tỷ lệ 9,09%; người đứng đầu các huyện, thành phố, thị xã 0/8 đồng chí chiếm tỷ lệ 0%; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trung ương đóng trên địa bàn 0/5 đồng chí chiếm tỷ lệ 0%.)
Để tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, sử dụng cán bộ nữ được hiện thực hóa trong thực tế trong cả nước nói chung và ở tỉnh Quảng Bình nói riêng, theo tôi cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Các cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò cán bộ nữ, cất nhắc quan tâm đến đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh nhà, bằng những việc làm cụ thể như ủng hộ, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ,  không đố kỵ, giúp đỡ cán bộ nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về sử dụng cán bộ nữ cần được thể hiện trong nghị quyết cấp mình về quy hoạch, tạo nguồn sử dụng cán bộ nữ; quy hoạch những chức danh mà cán bộ nữ có thể đảm nhận để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý.
Hai là, chủ động tạo để nâng cao chất lượng nguồn cán bộ nữ. Nguồn cán bộ nữ phong phú sẽ có cơ sở để tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra trong tình hình mới. Quy hoạch, tạo nguồn phải theo hướng mở và động; mỗi chức danh nên quy hoạch 2-3 cán bộ dự nguồn; mỗi cán bộ nữ quy hoạch 2 - 3 chức danh; cần chú ý kết hợp 3 độ tuổi trong quy hoạch để tránh sự hẫng hụt, thiếu sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ nữ. Định kỳ kiểm tra đánh giá sự phấn đấu rèn luyện của cán bộ nguồn, qua đó góp ý nhắc nhở để cán bộ nữ phát huy ưu điểm, khắc phục phòng tránh các khuyết điểm, sai phạm.
 Ba là, các đảng bộ cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo môi trường, cơ chế để cán cán bộ nữ phấn đấu trưởng thành. Đây là khâu quyết định đến chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ nữ nói riêng. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ nữ mới được trang bị những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ. Kết hợp chặt chẽ các nội dung về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước, xây dựng Đảng, tâm lý học… Kết hợp chặt chẽ các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; học ở nhà trường, ở các phong trào, kinh nghiệm, mô hình ở các địa phương, ở các hội thảo, tham quan trao đổi kinh nghiệm kể cả trong nước và nước ngoài. Mọi phẩm giá, bằng cấp, chức vụ của cán bộ nữ phải được kiểm nghiệm trong hoạt động thực tiễn, gắn chặt với các phong trào hoạt động.
Bốn là, Bố trí sử dụng hợp lý cán bộ nữ, cần mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ nữ đảm trách các chức vụ trong bộ máy của hệ thống chính trị các cấp (như Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Giám đốc các sở, ban ngành..). Trong quá trình bổ nhiệm phải căn cứ vào tiêu chuẩn, năng lực, sở trường, xu hướng triển vọng của cán bộ nữ để bố trí sử dụng hợp lý. Phải thật sự khách quan, công tâm, dân chủ trong cất nhắc đề bạt cán bộ nữ. Cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, giúp đỡ cán bộ nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh cho rằng, việc chị em tham gia vào các cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành là một cố gắng vượt bậc, nhiệm vụ của Đảng phải quan tâm, giúp đỡ họ thường xuyên, không phải đưa cán bộ nữ vào cơ quan lãnh đạo cốt để đạt cơ cấu có nam, có nữ. Muốn giải phóng phụ nữ một cách triệt để thì ngoài việc mang đến cho họ những quyền lợi và sự bình đẳng với nam giới, phải bằng các hình thức thích hợp đào tạo và bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ giỏi, có ích cho đất nước.
Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Quảng Bình nói riêng tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu bằng sức mạnh khối óc, trí tuệ và tài năng, để quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng Quảng Bình ngày càng phát triển và vươn lên giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.
Th.S. Nguyễn Thị Trà Giang
Trường Chính trị Quảng Bình


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.8, tr.172.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.12, tr.419.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.12, tr.21.

Các tin khác