Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 15

  • Hôm nay 2452

  • Tổng 7.075.214

Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng

16:40, Thứ Sáu, 28-7-2017

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra bản chất của tệ quan liêu, tham nhũng, nguồn gốc nguyên nhân phát sinh, phát triển của tham nhũng cũng như tính phức tạp của cuộc đấu tranh phòng chống các tệ nạn này. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” Người đã viết về nạn tham nhũng trong bộ máy cai trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tệ tham ô, lãng phí vốn là căn bệnh “tứ chứng nan y” của mọi nhà nước và bất kỳ một nhà nước nào nếu như các hoạt động của bộ máy nhà không được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì khó tránh khỏi tình trạng tham ô, lãng phí. 

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã sớm vạch ra một số hành vi tham nhũng mà công chức nhà nước thường dễ mắc phải, đó là tham ô của công, đục  khoét của dân, ăn hối lộ. Hơn một tháng sau khi đọc Bản tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho UBND các kỳ, tỉnh huyện và làng. Trong thư Người đã nêu lên những lỗi lầm rất nặng nề mà các nhân viên nhà nước đã phạm phải như: Trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Hơn một năm sau Người có hai bức thư gửi các đồng chí ở Bắc bộ và Trung bộ, nội dung hai bức thư đó cùng đều nhằm phê phán các khuyết điểm: Địa phương chủ nghĩa, bè phái, óc quân phiệt, quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, thích làm bàn giấy, vô kỷ luật, ích  kỷ, kiêu ngạo, hủ  hóa,....  Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ rất sớm chỉ ra hình dáng, bản chất của tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tính phức tạp của cuộc đấu tranh chống lại các tệ nạn này mà Người còn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết với các tệ nạn đó trong việc tổ chức chỉ đạo phòng chống tham nhũng và Người đã lãnh  đạo tổ chức thực hiện rất toàn diện. Một mặt, Người phát động quần chúng nhân dân tiết kiệm chống lãng phí, mặt khác Người yêu cầu mọi cán bộ nhà nước phải rèn luyện tư tưởng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải cần kiệm liêm  chính, chí công, vô tư. Bên cạnh đó Người còn chỉ ra rằng: "Chống tham ô lãng phí và bệnh quan liêu cũng  quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị muốn chống  tham ô lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ, phê bình và tự phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình  mình và  giám phê bình người”.  Người đã kiên quyết xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy chống tham nhũng. Ngay sau khi dành được chính  quyền hơn 80 ngày, ngày 23/11/1946 Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 64 về việc thành lập Ban thanh tra đặc biệt, sắc lệnh này quy định Ban thanh tra đặc biệt có quyền "đình chỉ, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử. Đến ngày 18/ 01/1949, sắc lệnh số: 138/SL về tổ chức thanh tra Chính phủ đã quy định thêm chức năng "thanh tra cả ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết ". Người cho rằng, nguyên nhân chính của căn bệnh tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân. Người nói: Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, nảy sinh ra các bệnh nguy hiểm như lười biếng, ngại gian khổ, khó khăn, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa,... Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Vì vậy, Người nhắc nhở mọi người cần hết sức đề phòng căn bệnh chủ nghĩa cá nhân phát triển ngay trong chính bản thân mỗi người để chống tham nhũng một cách có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng phát động tư tưởng quần chúng, khiến cho quần chúng nhận thức được tác hại của tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân, để từ đó có thái độ khinh ghét tệ tham ô, lãng phí và tự giác tham gia vạch  mặt chỉ tên bọn tham nhũng trước pháp luật và công chúng. Người chỉ ra rằng Đảng phải biết dựa vào quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị có đúng hay sai...Đảng phải luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không thì những chỉ thị, nghị quyết đó sẽ hóa ra lời nói suông, mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng, phải tiến hành cuộc đấu tranh quét sạch những ung nhọt ngay từ trong nội bộ Đảng. Bên cạnh các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, Người cũng còn rất chú trọng đến  việc xử lý các hành vi tham nhũng, kiên quyết trừng trị bọn tham nhũng cho dù những kẻ đó ở vị trí nào trong xã  hội. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký bản án tử hình đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu đã tham ô tài sản của quân đội, ăn chơi sa đọa. Qua sự việc này, thái độ kiên quyết đấu tranh với tệ nạn tham nhũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả cao trong việc giáo dục đức liêm  khiết của cán bộ cách mạng.  
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã có nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp mạnh mẽ. Nhận thức sâu sắc về tác hại của tham nhũng, trong những năm qua, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba BCHTW Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, với mục tiêu là nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Việc phòng chống tham nhũng được thực hiện trên cơ sở các quan điểm:  Đảng lãnh đạo chặt chẽ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự.  Phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Vừa tích cực, chủ động phòng ngừa vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính. Gắn phòng, chống tham nhũng lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy dân chủ, thực hành tiết kiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chú trọng tổng kết thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời Nghị quyết cũng đã đưa ra 10 chủ trương, giải pháp để thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI của Đảng nhận định: “... Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ... Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”
Trên cơ sở đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã yêu cầu tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau đây: “Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất”.
Ngày 25/05/2012, Hội nghị lần thứ năm BCHTW Khóa XI đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đảng ta đã xác định phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên cần quán triệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), chú trọng cả phòng và chống; cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này.  Đồng thời đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ, hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, ngày 7/12/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Chỉ thị này  đến chi bộ đảng, đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị. Bộ Chính trị cũng đã giao nhiệm vụ cho  Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan giúp Bộ Chính trị theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Nguyễn Minh

Các tin khác