Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 671

  • Tổng 6.930.853

Hướng dẫn một số nội dung xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

8:40, Thứ Tư, 17-11-2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Thời gian quan, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động phòng, chống COVID-19; kịp thời răn đe, phòng ngừa và hạn chế các vi phạm; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.  

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới; đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 16/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 2442/KH-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Quy định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như sau:
 1. Về cơ sở pháp lý
- Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi là Luật)
- Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP;
- Các Nghị định chuyên ngành về xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch như: Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số tuyến điện; Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và một số Nghị định khác có liên quan.
2. Về lập biên bản vi phạm hành chính
Việc lập biên bản vi phạm hành chính (đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 Luật) được thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật và Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017). Trong quá trình lập biên bản cần lưu ý:
- Thẩm quyền lập biên bản: Được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) và được quy định cụ thể tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Cụ thể:
+ Trong lĩnh vực y tế dự phòng, người có thẩm quyền lập biên bản được quy định tại Điều 113 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, gồm: (1) Người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (2) Công chức, viên chức thuộc ngành y tế, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và công chức, viên chức trong các cơ quan được quy định tại Điều 112 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ.
+ Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (sử dụng dịch vụ mạng xã hội), người có thẩm quyền lập biên bản được quy định tại Điều 121 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, gồm: (1) Người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (2) công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
+ Trong lĩnh vực quản lý giá (công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ), người có thẩm quyền lập biên bản được quy định tại Điều 41 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, gồm: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP khi đang thi hành công vụ; (2) Công chức khi đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý giá.
Do đó, khi lập biên bản người đang thi hành công vụ phải căn cứ các quy định cụ thể về thẩm quyền lập biên bản tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà mình phụ trách để xác định đúng thẩm quyền lập biên bản đối với từng vụ việc vi phạm hành chính.
- Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản (cùng hồ sơ có liên quan) đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật.
- Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản mới phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của người chứng kiến.
- Trong trường hợp biên bản vi phạm hành chính đã lập có sai sót thì không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính để lập biên bản mới mà người có thẩm quyền xử phạt áp dụng quy định tại Điều 59 của Luật để lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
 
Đây là hình thức xử phạt theo thủ tục đơn giản mang tính chất rút gọn bỏ qua giai đoạn lập biên bản. Người có thẩm quyền không lập biên bản VPHC mà ngay tức khắc ra quyết định xử phạt tại chỗ, theo quy định tại Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức; trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
 4. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 51 của Luật và được quy định cụ thể tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
+ Đối với lĩnh vực y tế dự phòng, thẩm quyền xử phạt được quy định từ Điều 103 đến Điều 108 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, gồm:
(1) Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
(2) Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
(3) Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.0000 đồng;
(4) Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng;
(5) Chánh Thanh tra cấp Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có có thẩm quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
(6) Thẩm quyền phạt tiền của cơ quan Công an: Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an có thẩm quyền phạt tiền đến 2.500.000 đồng; Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh (gồm: Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) có thẩm quyền phạt tiền đến 10.000.000 đồng; Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền có thẩm quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
(7) Thẩm quyền phạt tiền của Bộ đội biên phòng: Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Bộ đội biên phòng có thẩm quyền phạt tiền đến 2.500.000 đồng; Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng có thẩm quyền phạt tiền đến 10.00.000 đồng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 50.00.000 đồng;
(8) Thẩm quyền phạt tiền của cơ quan Hải quan: Công chức Hải quan đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng; Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng.
(9) Thẩm quyền phạt tiền của cơ quan Quản lý thị trường: Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có thẩm quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 30.000.000 đồng.
 + Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin (chủ yếu là các hành vi sử dụng dịch vụ mạng xã hội), thẩm quyền xử phạt được quy định tại các Điều 114, Điều 116 và Điều 120 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, gồm:
(1) Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
(2) Giám đốc Công an cấp tỉnh có  thẩm quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng.
+ Đối với lĩnh vực quản lý giá (chủ yếu là các hành vi công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ) thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 42 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, gồm:
(1) Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giá có thẩm quyền phạt tiền đến 200.000.000 đồng;
(2) Chánh Thanh tra Sở Tài chính có thẩm quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
(3) Người có thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường theo quy định tại Điều 45 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, gồm: Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Cục trưởng Chi cục Quản lý có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
 (4) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 38 và điểm e khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP có thẩm quyền phạt tiền đến 150.000.000;
(5) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền của mình quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về giá tại địa bàn thuộc quyền quản lý hành chính cấp huyện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 và điểm e khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP có thẩm quyền phạt tiền không quá 50.000.000 đồng;
(6) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi thẩm quyền của mình quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về giá tại địa bàn thuộc quyền quản lý hành chính cấp xã theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 và điểm e khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP có thẩm quyền phạt tiền không quá 5.000.000 đồng.
- Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 52 của Luật. Trong đó, cần lưu ý những nội dung sau:
+ Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
+ Người có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc là người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt chính, các hình thức xử phạt bổ sung (nếu có) và thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có). Trong trường hợp có sự khác nhau giữa thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì người đang thụ lý vụ việc phải chuyển vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt.
5. Về xác định hành vi vi phạm
Tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật quy định “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”; đồng thời, tại Điều 4 của Luật đã quy định “Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính....”. Theo đó, hiện nay các hành vi vi phạm hành chính liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ yếu được Chính phủ quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và một số quy định có liên quan tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (chủ yếu trong sử dụng mạng xã hội) và Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (chủ yếu trong quản lý giá).
(Để thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tra cứu, áp dụng, Sở Tư pháp tổng hợp một số hành vi vi phạm hành chính thường gặp, mức xử phạt và căn cứ pháp lý áp dụng gửi kèm theo Công văn này).
6. Một số lưu ý khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Khi thực hiện về xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu, mức phạt và các nội dung khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Đối với hình thức phạt tiền: Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
- Việc ghi nhận tình tiết giảm nhẹ/tình tiết tăng nặng phải đảm bảo đúng, đầy đủ theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính và quyền giải trình của cá nhân/tổ chức vi phạm phải phù hợp theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Áp dụng đúng và đầy đủ các chế tài mà Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đã quy định đối với hành vi vi phạm hành chính gồm: Hình thức xử phạt (hình thức xử phạt chính và các hình thức xử phạt bổ sung) và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm.
- Trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì phải thực hiện giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính (giao quyền bằng văn bản; từ 01/01/2022 giao quyền phải bằng quyết định).
- Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định cưỡng chế được thực hiện theo quy định tại Điều 86, Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
7. Các biểu mẫu trong lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính
Các mẫu biên bản và mẫu quyết định để sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ. Trong trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành các mẫu biên bản, quyết định để sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính thì thực hiện theo các loại mẫu đó.
Trên đây là hướng dẫn của Sở Tư pháp đối với một số nội dung trong việc xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Tư pháp (qua Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật - ĐT 3859837) để được hướng dẫn./.

Tải Công văn số 2644/STP-XDKTVB

 

Các tin khác