Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 9409

  • Tổng 7.566.552

NGÀNH TƯ PHÁP QUẢNG BÌNH: 35 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

9:37, Thứ Năm, 16-5-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Ngành Tư pháp của chế độ mới đã chính thức ra đời.

Ở mỗi giai đoạn, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, tên gọi của ngành Tư pháp có khác nhau: Ngành Tư pháp giai đoạn 1945 – 1960; Tổ chức tư pháp (pháp chế) giai đoạn 1960 – 1980 và ngành Tư pháp từ 1981 đến nay. Song xuyên suốt chiều dài lịch sử, ngành Tư pháp luôn nỗ lực vượt qua mọi thử thách để vươn lên, tự khẳng định mình. Trải qua 79 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tư pháp luôn nỗ lực hoàn thành các trọng trách, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Vị thế và vai trò của ngành Tư pháp đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ngày càng được khẳng định.

35 năm kể từ khi Quảng Bình trở về địa giới hành chính cũ - một chặng đường tuy ngắn so với bề dày lịch sử 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình; 79 năm của ngành Tư pháp Việt Nam, trong biết bao công việc bộn bề đầy khó khăn và thiếu thốn của một tỉnh vừa mới được tái thành lập, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, toàn ngành Tư pháp Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách từng bước xây dựng và trưởng thành, đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước.

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, được tách ra từ Sở Tư pháp Bình Trị Thiên, trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; tổ chức Tư pháp cấp tỉnh buổi đầu chỉ là một phòng làm việc chung với Văn phòng UBND tỉnh. Chi bộ đảng sinh hoạt chung với Chi bộ Trọng tài kinh tế, trực thuộc Đảng bộ Văn phòng UBND tỉnh. Chưa có tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Bộ máy tổ chức Tư pháp cấp huyện, cấp xã chưa có; cán bộ làm công tác Tư pháp ở cấp huyện, cấp xã do cán bộ Văn phòng Uỷ ban nhân dân cùng cấp kiêm nhiệm. Ngày 24/4/1990, Sở Tư pháp Quảng Bình được thành lập. Qua nhiều thời kỳ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp có nhiều thay đổi theo chức năng, nhiệm vụ tại các văn bản QPPL của trung ương và của tỉnh. Đến nay, Ngành Tư pháp đã có cơ cấu tổ chức bộ máy hoàn chỉnh từ tỉnh  đến xã với 05 tổ chức, đơn vị chuyên môn thuộc Sở, 03 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; 08 phòng Tư pháp cấp huyện và hệ thống công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Toàn ngành hiện có 363 công chức, viên chức, người lao động. Sở Tư pháp có 81 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 27 đồng chí có trình độ Thạc sỹ; 49 đồng chí có trình độ Đại học; 05 đồng chí có trình độ Trung cấp và trình độ khác; Sở có 04 chuyên viên cao cấp, 05 chuyên viên chính, 16 chuyên viên; Phòng Tư pháp cấp huyện có 29 công chức, trong đó 08 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 21 đồng chí có trình độ đại học và cao đẳng; cấp xã có 255 công chức Tư pháp – Hộ tịch, trong đó có 08 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 237 đồng chí có trình độ đại học và cao đẳng, 10 đồng chí có trình độ trung cấp. Công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp Quảng Bình đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ được giao.

35 năm qua, ngành Tư pháp đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường công tác biến giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật đưa pháp luật vào cuộc sống; lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, quản lý xử lý vi phạm hành chính đi vào chuyên nghiệp, nền nếp, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện trên 34 nhóm nhiệm vụ trong lĩnh vực Tư pháp, đã tích cực chủ động phối hợp cùng các ngành trong khối nội chính tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách Tư pháp. Tham mưu thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ các chủ trương, Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Trong đó, nổi bật là đã phát huy vai trò là người “gác cổng”; thực hiện tốt chức năng là cơ quan “tiền kiểm” trong thẩm định, góp ý văn bản QPPL; đồng thời là cơ quan “hậu kiểm” trong kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Từ năm 1989 đến nay, Sở Tư pháp đã thẩm định 472 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh; 1.347 Quyết định và 784 Chỉ thị của UBND tỉnh; thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra theo thẩm quyền hơn 3.547 văn bản QPPL; rà soát 22.869 lượt văn bản QPPL; đã tổ chức hệ thống hóa 03  kỳ văn bản QPPL do HĐND, UBND các cấp ban hành. Đến nay, tổng số văn bản QPPL còn hiệu lực thi hành là 515 văn bản.

Công tác CCHC tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là tham mưu cải cách thể chế và cải cách TTHC. Sở đã chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành và thực hiện nghiêm túc 2/8 chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, đó là chỉ số hoàn thiện thể chế và chỉ số cải cách thủ tục hành chính (từ tháng 11/2017 chỉ số này do Văn phòng UBND tỉnh tham mưu). Là đầu mối tham mưu thực hiện 2 chỉ số “Thiết chế pháp lý an ninh trật tự” và “Tính minh bạch” trong bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Sở đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ, TTHC và trả kết quả qua bộ phận một của từ năm 2004. Các TTHC trong lĩnh vực tư pháp được minh bạch, công khai, thực hiện có hiệu quả việc rút ngắn 10% thời gian giải quyết TTHC so với quy định. Hiện nay, 100% TTHC đủ điều kiện thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Tư pháp đã được xây dựng và đưa vào thực hiện DVC trực tuyến. Nhiều năm liền Sở Tư pháp đứng tóp đầu (trên 90%) về chỉ số cải cách hành chính khối các Sở, ngành cấp tỉnh. Năm 2017, Sở Tư pháp đã đạt giải Nhì tại Hội thi “Tuyên truyền cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình” của Khối các cơ quan Nội chính, Tổng hợp, Văn hóa – Xã hội; năm 2023 đạt giải Nhất Cuộc thi “Tím hiểu ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình”.

Công tác quản lý nhà nước về đăng ký và quản lý hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp đã đi vào chiều sâu; nhất là từ khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1989 đến nay toàn tỉnh đã đăng ký khai sinh 465.605 trường hợp, trong đó khai sinh có yếu tố nước ngoài 223 trường hợp; đăng ký kết hôn 128.071 trường hợp, trong đó kết hôn có yếu tố nước ngoài 902 trường hợp; đăng ký khai tử 97.877 trường hợp, trong đó có yếu tố nước ngoài 15 trường hợp; đăng ký nuôi con nuôi trong nước 121 trường hợp và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài 112 trường hợp; đã thụ lý, giải quyết cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 120.414 lượt công dân. Sở đã tham mưu UBND tỉnh hoàn thành việc xây dựng cấu trúc quy trình và cung cấp 04 dịch vụ công thiết yếu với hai nhóm thủ tục hành chính liên thông thuộc phạm vi của Đề án 06; triển khai nhiệm vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên cổng dịch vụ công quốc gia tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 151/151 xã, phường, thị trấn.

Lĩnh vực bổ trợ tư pháp có những bước phát triển mới; công tác xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp đặc biệt là trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản... bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực; từ 02 đấu giá viên và một tổ chức hành nghề đấu giá là Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh thì đến nay trên địa bàn tỉnh có 05 tổ chức đấu giá tài sản, 04 chi nhánh của Công ty đấu giá với 18 đấu giá viên; từ 01 Phòng Công chứng số 1 với 03 công chứng viên, đến nay toàn tỉnh có 12 tổ chức hành nghề công chứng gồm 01 Phòng Công chứng và 11 Văn phòng Công chứng với 27 công chứng viên hoạt động tại 6/8 địa bàn đơn vị cấp huyện; hoạt động luật sư có sự phát triển vượt bậc, đến nay có 57 luật sư và 17 tổ chức hành nghề luật sư đang hành nghề; có 05 Trung tâm tư vấn pháp luật, 02 Chi nhánh và 31 tư vấn viên pháp luật; 01 Văn phòng thừa phát lại; 02 tổ chức giám định tư pháp công lập và 04 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc với 40 giám định viên tư pháp. Hoạt động của các tổ chức trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu của công cuộc cải cách tư pháp, thực thi pháp luật, tạo môi trường pháp lý an toàn, lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Công tác xử lý vi phạm hành chính được chú trọng với việc bám sát các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính để tham mưu UBND tỉnh triển khai và thực hiện theo đúng quy định. Theo đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, ngành cấp tỉnh rà soát, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý các vụ việc vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh; tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính cho những người có thẩm quyền thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; quan tâm, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; hằng năm đều tham mưu UBND tỉnh kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính nhằm nắm bắt tình hình, đồng thời, phát hiện những tồn tại, hạn chế của địa phương trong thực hiện công tác này để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục. Đồng thời, Sở Tư pháp đã tham mưu xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để cập nhật, theo dõi, quản lý, tra cứu các vụ việc vi phạm hành chính xảy ra trên địa bàn tỉnh. Từ những nỗ lực của Ngành Tư pháp Quảng Bình trong thời gian qua, công tác xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng có chất lượng, hiệu quả; góp phần quan trọng vào công cuộc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nhiệp được triển khai thường xuyên, hiệu quả; với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghệp là đối tượng phục vụ. Thông qua hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp góp phần hỗ trợ, nâng cao nhận thức pháp lý, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng được tăng cường với việc triển khai đồng bộ, cả chiều rộng và chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm và thực sự hướng về cơ sở. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 35.000 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho trên 38.500.000 lượt người; đã tổ chức thành công Hội thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thu hút 53 đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh tham gia với 67.766 bài dự thi; Cuộc thi “Video Clip; phóng sự ngắn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” với 402 tác phẩm của tổ chức và cá nhân tham dự. Đồng thời đã có sự đổi mới mạnh mẽ về hình thức, chú trọng tập trung ứng dụng công nghệ thông tin với điểm nhấn là tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến thu hút trên 60.000 lượt người tham gia; khai thác, tận dụng lợi thế của các nền tảng số, nhất là các mạng xã hội trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần “Thượng tôn pháp luật” của cán bộ và Nhân dân. Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được chú trọng trở thành một công việc thường xuyên ở mỗi thôn, bản, tổ dân phố; kết hợp giữa tính pháp lý và phong tục, tập quán tốt đẹp, phát huy tình làng nghĩa xóm để phân giải ngay từ cơ sở các tranh chấp; trung bình mỗi năm các tổ hòa giải đã thực hiện 1.500 vụ việc hòa giải. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận được thực hiện nghiêm túc, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới; đến nay, có 145/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Công tác trợ giúp pháp lý ngày càng được tăng cường góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có công với cách mạng, người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội; từ năm 1998 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện 35.527 vụ việc cho 36.335 người được TGPL.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của Sở trong việc thực hiện nhiệm vụ ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới và chương trình xóa đói giảm nghèo, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được triển khai đến tận cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong Nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, giảm được các khiếu kiện trong Nhân dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt vai trò cơ quan chỉ đạo xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy; xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch và xã Đức Ninh, xã Lộc Ninh thành phố Đồng Hới trong xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong thực hiện xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Tư pháp ngày càng được tăng cường. để chào mừng kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012, kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào, vào các năm 2012, 2017, 2022, Sở Tư pháp Quảng Bình đã tổ chức Hội đàm và ký Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Sở Tư pháp tỉnh Khăm Muộn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Thực hiện nội dung của Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện thủ tục nhập Quốc tịch Việt Nam và giải quyết các sự kiện hộ tịch có liên quan cho 18 công dân Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Quảng Bình. Đây là những bước tiến quan trọng trong công tác đối ngoại của tư pháp của tỉnh nhà.

Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được toàn ngành tham gia tích cực, Sở Tư pháp được giao giúp xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa (từ năm 2008 – 2016), và giúp xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch từ năm 2017 đến nay trong công tác giảm nghèo. Hàng năm, Sở đều tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho chính quyền và người dân tiếp cận tối đa đối với các quy định của pháp luật thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; đăng ký hộ tịch; phối hợp với chính quyền địa phương thăm hỏi động viên kịp thời một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách trong các dịp lễ, Tết; các đợt lụt bão... Ngoài ra, Sở đã cùng với các đơn vị trong Khối thi đua các ngành Nội chính tỉnh Quảng Bình, Công ty Xổ số kiến thiết Quảng Bình hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho 02 hộ gia đình khó khăn tại thôn Phúc Đồng I và Phúc Đồng II xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch; phối hợp với một số ngân hàng thực hiện hỗ trợ ghế đá cho các trường học trên địa bàn xã Phúc Trạch.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp không chỉ có phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, mà cần phải nhạy bén trong nắm bắt, dự báo tình hình và xử lý tình huống, không chỉ giỏi một việc mà phải biết nhiều việc và phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ lên hằng đầu; thực hiện dân vận khéo trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; hưởng ứng Hội thi “Dân vận khéo” trong các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình năm 2018  do UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Sở Tư pháp đã xuất sắc giành giải nhất. Đảng ủy Sở, Lãnh đạo Sở, luôn quan tâm công tác kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp trong toàn tỉnh, thực hiện bài bản việc điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn cho công chức, viên chức, người lao động thông qua nhiều hoạt động khác nhau; tăng cường kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, xây dựng đoàn kết nội bộ, đấu tranh với những hành động, biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, tích cực thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách và tài sản công.

Trong những năm gần đây, Sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và giải quyết công việc như lập Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, sử dụng hộp thư điện tử công vụ của tỉnh, phần mềm quản lý văn bản và phần mềm chữ ký số. Sở đã áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 tại Sở, đã mang lại hiệu quả cao, tạo nên tác phong điều hành và làm việc chuyên nghiệp khoa học, hiện đại

Xác định công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Ngành, Sở Tư pháp đã chú trọng đầu tư các nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác tư pháp. Bên cạnh việc khai thác các phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực tư pháp của Bộ Tư pháp (Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản Quy phạm pháp luật; Hệ thống quản lý, lý lịch tư pháp dùng chung; Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch dùng chung...), Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và hoàn thiện các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong lĩnh vực tư pháp, như: Phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Phần mềm tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Hệ thống Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, Sở đang phối hợp với đơn vị có liên quan để tiếp tục xây dựng các phần mềm chuyên ngành khác trong lĩnh vực tư pháp (Cơ sở dữ liệu hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được chứng thực trên địa bàn; Cơ sở dữ liệu về các Văn phòng thừa phát lại, quản lý các vi bằng trên địa bàn tỉnh).

Các phong trào thi đua được Sở triển khai thường xuyên và mang lại những hiệu quả thiết thực như Phong trào “Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trên các lĩnh vực công tác”, phong trào “Toàn ngành Tư pháp tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ, đổi mới lề lối làm việc, đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”; phong trào “Ngành Tư pháp Quảng Bình hướng về biển đảo quê hương”, phong trào “Ngành Tư pháp chung tay giúp xã Hóa Phúc giảm nghèo”, phong trào “Ngành Tư pháp chung tay giúp xã Phúc Trạch giảm nghèo” và các phong trào được tiến hành thường xuyên khác như: “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Để tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Sở đã nhận phụng dưỡng cho bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Bót ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy; phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà cho một cán bộ Tư pháp cơ sở khó khăn về nhà ở và đã thực hiện hỗ trợ các quỹ nhân đạo, từ thiện do các tổ chức trên địa bàn tỉnh phát động.

Hiện nay, hệ thống chính trị của Sở ngoài 05 tổ chức, đơn vị thuộc Sở, 03 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Đảng bộ Sở với 04 chi bộ với 71 đảng viên; công đoàn Sở với 81 đoàn viên, Chi đoàn Sở Tư pháp với 29 đoàn viên. Trong 35 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Sở Tư pháp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, là hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền cấp trên, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Đảng uỷ luôn chú trọng giáo dục động viên đảng viên, công chức, viên chức không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo, làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất cải tiến lề lối, phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch đề ra, đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ  được giao trên các mặt công tác; đồng thời chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống và đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ chuẩn mực lối sống cho đảng viên. Nhờ vậy, đảng viên và công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ đều có lập trường tư tưởng vững vàng, không bi quan, dao động trước những diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy chế của cơ quan, của tổ chức; yên tâm công tác và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đảng bộ Sở Tư pháp đã tổ chức và phát động toàn thể đảng viên tích cực tham gia các hội thi tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp tỉnh; Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, tại Hội thi Báo cáo viên, Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, đảng viên Sở Tư pháp đã xuất sắc đạt giải Nhì.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Sở Tư pháp, Công đoàn Sở Tư pháp đã thường xuyên đổi mới phương thức, nội dung hoạt động như các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hoạt động hướng về cội nguồn, tri ân các các anh hùng liệt sỹ; các hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm; tổ chức hội thi văn nghệ thời trang, hội thi cắm hoa; tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Bên cạnh đó, Công đoàn Sở đã đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, xứng đáng là mái nhà chung, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của công chức, viên chức, người lao động của toàn Sở. Thành tích hoạt động của Công đoàn Sở Tư pháp đã được Ban Chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiêm, liêm chính, sáng tạo giai đoạn 2017-2022”; Bằng khen và Cờ thi đua về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2022, năm 2023.

Với mục tiêu phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, sáng tạo, tinh thần tự nguyện của Thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Chi đoàn Sở Tư pháp Quảng Bình đã xác định được vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà đơn vị và Đoàn cấp trên giao phó, thực hiện tốt công tác đoàn và phong trào thanh niên với phương châm “Dám nghĩ – Biết làm” và với tâm thế “Tâm trong – Trí sáng –Hoài bão lớn”. Chi đoàn đã tổ chức các hoạt động về nguồn, hoạt động tình nguyện, vì cuộc sống cộng đồng như: tham gia giao lưu tặng quà cho gia đình có công với cách mạng; vận động đoàn viên tình nguyện “Hiến máu nhân đạo”; thăm và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bà con vùng bão lũ... Tổ chức các hoạt động có hiệu quả của Năm Thanh niên, Năm thanh niên tình nguyện; tích cực tham gia các cuộc thi, hội thi do Tỉnh đoàn và Trung ương đoàn phát động.

Chi hội Luật gia Sở Tư pháp được Đảng ủy Sở quan tâm chỉ đạo và đổi mới phương thức hoạt động của Chi hội; thu hút nhiều hội viên tham gia. Hiện nay Chi hội có 62 hội viên. Nhiều năm liền Chi hội Luật gia Sở Tư pháp được Trung ương Hội tặng bằng khen và được ghi nhận với nhiều dấu ấn nổi bật.

Những thành tựu của ngành Tư pháp đạt được trong 35 năm qua đã được Nhà nước ghi nhận, biểu dương: Ngành Tư pháp đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhiều năm liền được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được tặng Huân chương Lao động, Bằng khen, Giấy khen. Đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành luôn đoàn kết, giữ vững phẩm chất, đạo đức, lối sống, yêu nghề, tâm huyết với ngành.

Sự lớn mạnh về mặt tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp là kết quả của sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương các cấp từ tỉnh đến cơ sở nói chung, cũng như sự phấn đấu, nỗ lực của toàn Ngành Tư pháp nói riêng. Dẫu kết quả, thành tích còn khiêm tốn, song công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp Quảng Bình đã, đang và luôn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhất là trong giai đoạn mới với khối lượng công việc giao cho ngành Tư pháp ngày càng nhiều, tính chất công việc ngày càng phức tạp, yêu cầu chất lượng thực hiện nhanh và ngày càng cao, mọi công việc phải giải quyết, thực hiện trong thời gian rút ngắn thời gian giải quyết, nhưng biên chế đã ít lại phải tinh giản đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, phải cố gắng nhiều hơn, với quyết tâm cao hơn; đặc biệt là trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật và hiệu quả công tác thi hành pháp luật; mỗi đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức của Ngành phải tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”, đẩy mạnh các phong trào thi đua, tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, nhất trí, chủ động, sáng tạo trong công việc, tiếp tục có cách nghĩ mới, cách làm mới, tìm kiếm những giải pháp có tính đột phá nhằm nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt công tác.

Trong không khí sôi nổi, hào hùng của Lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm ngày Quảng Bình quật khởi; 35 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Bình, một địa danh giàu truyền thống lịch sử, địa linh nhân kiệt, quê hương “Hai giỏi”, quê hương “Quật khởi”; Quê hương của của phong trào “Gió Đại phong” đang từng ngày, từng giờ đổi thịt, thay da, với khí thế mới, sắc thái mới, diện mạo mới. Thế của cả tỉnh đang lên, cũng là lúc mỗi một công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp Quảng Bình nhận thức sâu sắc hơn, làm theo nhiều hơn tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một lần nữa, khắc ghi sâu sắc lời dạy của Người về cán bộ Tư pháp và công tác Tư pháp: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo...”; nguyện khắc phục mọi khó khăn trong những khó khăn chung của tỉnh và những khó khăn mang tính đặc thù của ngành, đem hết sức lực và trí tuệ của mình để tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao, tạo thêm nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cho các hoạt động Tư pháp Quảng Bình trong thời kỳ mới, đặc biệt là trong việc cải thiện, tạo lập môi trường môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, an toàn; góp phần xây dựng Ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại, xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, phát triển, văn minh, mà biểu hiện cao nhất của sự văn minh, đó là mọi người Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Ban Biên tập

Các tin khác