Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 3212

  • Tổng 6.990.435

Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao

14:35, Thứ Hai, 28-8-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 bộ trong đó có Bộ Tư pháp. Ngày 7/11/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 hàng năm là “Ngày truyền thống ngành Tư pháp”. Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tư pháp cả nước luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo phát triển.

Đối với ngành Tư pháp Quảng Bình từ khi tái lập tỉnh năm 1989 đến nay đã không ngừng củng cố, kiện toàn, ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Chức năng, nhiệm vụ ngành Tư pháp qua mỗi thời kỳ có sự thay đổi, bổ sung, mở rộng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Đội ngũ cán bộ, công chức tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đạo đức nghề nghiệp, luôn chủ động, sáng tạo, đổi mới, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước phân công. Các tổ chức bổ trợ tư pháp, như: Công chứng, luật sư, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, đấu giá tài sản trên địa bàn ngày càng hoàn thiện. Ngành Tư pháp phát huy hiệu quả vai trò và tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, khẳng định vị thế trong đổi mới, phát triển đất nước.

Ngành Tư pháp Quảng Bình triển khai đồng bộ, toàn diện hơn 34 nhóm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tư pháp, tích cực chủ động phối hợp cùng các cơ quan thuộc khối Nội chính tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác tư pháp. Tham mưu thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ chủ trương, nghị quyết các cấp ủy đảng, chính quyền bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Công tác quản lý nhà nước về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, pháp chế, xử lý vi phạm hành chính, quản lý nhà nước về giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, chứng thực, đăng ký quản lý hộ tịch, lý lịch tư pháp... tiếp tục triển khai nền nếp, hiệu quả. Toàn ngành Tư pháp đang tập trung cao độ nhiệm vụ được phân công tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Tư pháp Quảng Bình tăng cường công tác giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Sở Tư pháp tỉnh Khăm Muồn (Lào).

Lĩnh vực bổ trợ tư pháp có những bước phát triển mới. Công tác xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp (công chứng, đấu giá tài sản...) bước đầu đạt những kết quả tích cực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 tổ chức đấu giá tài sản, 2 chi nhánh công ty đấu giá với 19 đấu giá viên; 11 tổ chức hành nghề công chứng với 25 công chứng viên; 17 tổ chức hành nghề luật sư với 51 luật sư; 5 trung tâm tư vấn pháp luật, 2 chi nhánh tư vấn pháp luật, có 29 tư vấn viên pháp luật.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được tăng cường với việc triển khai đồng bộ cả chiều rộng và chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm và thực sự hướng về cơ sở; đồng thời đổi mới mạnh mẽ về hình thức, chú trọng tập trung ứng dụng công nghệ thông tin với điểm nhấn là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Việc sử dụng mạng xã hội trong công tác PBGDPL góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần “Thượng tôn pháp luật” của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trước yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi toàn ngành Tư pháp Quảng Bình đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa; tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của Mặt trận, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Hoạt động ngành Tư pháp gắn với những nhiệm vụ, cụ thể sau:

Thực hiện quyết liệt, thống nhất, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra.

Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện quy định về đổi mới hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng về nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức công vụ, chú trọng đội ngũ công chức Tư pháp-Hộ tịch ở cơ sở.

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); tham mưu góp ý kịp thời, chất lượng dự thảo các bộ luật, luật và các VBQPPL khác. Thường xuyên kiểm tra, rà soát và hệ thống VBQPPL. Kịp thời phát hiện văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; mở rộng phạm vi, lĩnh vực và nâng cao chất lượng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch, đề án về công tác PBGDPL. Không ngừng đổi mới hình thức PBGDPL, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong PBGDPL. Gắn công tác PBGDPL với theo dõi thi hành pháp luật. Chú trọng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở. Tăng cường hoạt động hòa giải ở cơ sở và hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện hiệu quả các luật chuyên ngành, đề án, chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp. Triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ nhiệm vụ của ngành Tư pháp được giao trong Đề án 06. Thực hiện tốt các yêu cầu về công chứng, đấu giá tài sản và trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đăng ký hộ tịch, công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải cách chế độ công vụ, công chức và đơn giản hóa thủ tục hành chính theo những quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và theo quy định, quyết định, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh.

Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp Quảng Bình “vừa hồng, vừa chuyên”; giỏi một việc, biết nhiều việc. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng ngành Tư pháp năng động, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả.

Phát huy truyền thống 78 năm xây dựng, trưởng thành, tin tưởng rằng ngành Tư pháp Quảng Bình thời gian tới tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tạo nên những chuyển biến căn bản, đồng bộ trên tất cả các mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

                                                                       Trần Chí Tiến

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp

Các tin khác