Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 1558

  • Tổng 6.996.119

Những kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý

9:37, Thứ Hai, 9-3-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 (Luật TGPL năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và thay thế Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 với nhiều nội dung quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp hóa. Đây là một trong những Luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm đảo đảm thi hành nghiêm túc Hiến pháp 2013.

Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính cũng đã ghi nhận, bổ sung tư cách Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Bên cạnh đó, còn có sự ra đời của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng với những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Những hoàn thiện trong chính sách, thể chế về công tác TGPL phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển trong tình hình mới đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TGPL nói chung và tổ chức thực hiện TGPL nói riêng phát triển cả về chất và lượng, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý từng bước được chuẩn hoá nhất là trong tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL.
Để triển khai nghiêm túc các hoạt động TGPL theo tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trong 2 năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Trung tâm) đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực quản lý điều hành và biện pháp tổ chức thực hiện, xiết chặt kỷ cương, kỷ luật, vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ được giao. Trung tâm đã luôn bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch của tỉnh, của Ngành và những yêu cầu thực tiễn để chủ động, kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh (Hội đồng phối hợp liên ngành) ban hành hoặc trình UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ các lĩnh vực hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh. Mặc dù nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao còn hạn chế nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Sở Tư pháp cùng với sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận, khắc phục mọi khó khăn và nỗ lực phấn đấu của tập thể cấp ủy, lãnh đạo Trung tâm và toàn thể công chức, viên chức, người lao động, Trung tâm đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Hoạt động TGPL được triển khai toàn diện, có trọng tâm trọng điểm và đã đạt được những kết quả tích cực:
Nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân về trợ giúp pháp lý: Để Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thực sự đi vào cuộc sống. Trung tâm đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nhất là những điểm mới của Luật và các văn bản pháp luật có liên quan. Trung tâm đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp liên ngành tổ chức 03 lớp Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các quy định về TGPL trong các Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự; Luật Tố tụng hành chính cho người tiến hành tố tụng 2 cấp, Giám thị, cán bộ quản giáo, Luật sư là cộng tác viên, trợ giúp viên pháp lý; tổ chức 8 Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 tại 8 huyện, thị xã, thành phố với hơn 900 người tham gia gồm đội ngũ công chức cấp xã, thành viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Công an xã, Tổ trưởng tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên cơ sở; tổ chức  hơn164 lớp Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cho nhân dân tại các xã nghèo,  thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn ký hợp đồng với UBND cấp xã để thực hiện tuyên truyền bằng tiếng Việt về TGPL trên hệ thống truyền thanh của xã; thực hiện tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, Bản tin Tư pháp, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, lắp đặt các Bảng Thông tin về TGPL; cấp phát miễn phí các loại tờ rơi về pháp luật TGPL; duy trì Đường dây nóng trong giờ hành chính để tiếp nhận các thông tin về yêu cầu TGPL của công dân.
Nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng; đảm bảo chỉ tiêu tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý: Trong 2 năm, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện TGPL 458 vụ việc cho 458 đối tượng, trong đó tư vấn 104 vụ việc, bào chữa 336 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 18 vụ việc; ngoài ra đã thực hiện tư vấn cho 79 đối tượng không thuộc diện được TGPL. Các trợ giúp viên pháp lý đã tham gia hầu hết các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng và các vụ án dân sự, hành chính phức tạp, kéo dài. Chất lượng bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được TGPL của các trợ giúp viên pháp lý ngày càng được khẳng định khi mà số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho đối tượng theo đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý ngày càng nhiều; đặc biệt các vụ án dân sự, hành chính là những vụ án phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân  nhưng các TGVPL đã nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt nội dung sự việc và đã thực hiện hòa giải thành rất nhiều vụ việc; qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, giảm bớt kháng cáo, kháng nghị; làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng; góp phần giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa tội phạm, tăng cường pháp chế XHCN. 100% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu vụ việc được giao, trong đó trên 50% Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu khá, tốt.
Hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL ngày càng được chú trọng, thực hiện hiệu quả. Trung tâm đã tham mưu cho  Hội đồng phối hợp liên ngành ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao quan tâm, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện. Với những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức đối với công tác TGPL, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp nên nhiều bị can, bị cáo, đương sự đã được hướng dẫn, giải thích và giới thiệu đến Trung tâm để được TGPL năm sau cao hơn năm trước. Ngoài những đối tượng trong các vụ án thuộc trường hợp phải có người bào chữa theo quy định của Bộ luật TTHS thì những đối tượng thuộc diện người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số… đã được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm giới thiệu đến Trung tâm; các đối tượng trong vụ án hành chính, vụ án dân sự, hôn nhân gia đình cũng được cơ quan Tòa án chú ý giới thiệu đến Trung tâm. Hội đồng phối hợp liên ngành đã thành lập 04 Đoàn kiểm tra tại 12 cơ quan tiến hành tố tụng tại huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch và thành phố Đồng Hới.
Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL được thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy Chi bộ và lãnh đạo Trung tâm thường xuyên quan tâm đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, kỹ năng tác nghiệp cho TGVPL; các viên chức sau khi tham gia lớp đào tạo luật sư đã được Trung tâm thực hiện chế độ tập sự nghề nhằm trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Các TGVPL mới được bổ nhiệm được lãnh đạo Trung tâm phân công thực hiện vụ việc tố tụng cùng với các luật sư hoặc TGVPL có nhiều kinh nghiệm để có điều kiện học hỏi, rèn luyện.
Ngoài ra, Trung tâm cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; phòng, chống tham nhũng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, xây dựng đơn vị văn hóa. Trung tâm đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Giám đốc Sở Tư pháp giao như cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia các Đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh để giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh; cho ý kiến pháp lý đối với các vụ việc được cơ quan có thẩm quyền giao, tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chủ trì tổ chức thực hiện và làm Báo cáo viên các Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại các xã trọng  điểm vi phạm pháp luật, xã đăng ký nông thôn mới..
Bên cạnh những kết quả đạt được đạt được thì quá trình hoạt động của Trung tâm vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần có sự quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện như tăng số lượng vụ việc TGPL nhất là vụ việc dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình để không những đạt chỉ tiêu mà phải đạt được chỉ tiêu khá, tốt theo quy định của Bộ Tư pháp; chú trọng tăng cường các hình thức truyền thông về TGPL để chính sách nhân đạo, nhân văn về trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống đời thường của người dân.
Phan Thị Bích Thủy

Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh

Các tin khác