Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 3033

  • Tổng 7.085.343

Những kết quả đạt được sau một năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý

9:51, Thứ Sáu, 1-2-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 ( Luật) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và thay thế Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 với nhiều nội dung  tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Đây là một trong những Luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm đảo đảm thi hành nghiêm túc Hiến pháp 2013. Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính cũng đã ghi nhận, bổ sung tư cách Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Những hoàn thiện trong chính sách, thể chế về công tác TGPL phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển trong tình hình mới đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TGPL nói chung và tổ chức thực hiện TGPL nói riêng phát triển cả về chất và lượng, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý từng bước được chuẩn hoá nhất là trong tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL.
Để triển khai nghiêm túc các hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh theo tinh thần của Luật, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) đã ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh (Hội đồng PHLN) ban hành hoặc trình UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch hoạt động về TGPL. Quá trình thực hiện, Trung tâm đã luôn bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch của tỉnh, của Ngành Tư pháp và những yêu cầu thực tiễn để chủ động triển khai thực hiện; mặc dù nguồn lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao còn hạn chế nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Sở Tư pháp cùng với sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận và nỗ lực phấn đấu của toàn thể CCVC, người lao động, Trung tâm đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.
Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, đến với từng nhà từng người dân, gắn với nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng công chức, viên chức trong việc hướng dẫn, giải thích cho người dân biết về quyền được TGPL miễn phí, Trung tâm đã tập trung tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nhất là những điểm mới của Luật và các văn bản pháp luật có liên quan. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật và các quy định về TGPL trong các Bộ luật TTHS, Bộ luật Hình sự; Luật Tố tụng hành chính cho người tiến hành tố tụng 2 cấp, Giám thị, cán bộ quản giáo, Luật sư là cộng tác viên, TGVPL; tổ chức 8 lớp Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 tại 8 huyện, thị xã, thành phố với hơn 900 người tham gia gồm đội ngũ công chức cấp xã, thành viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Công an xã, Tổ trưởng tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên cơ sở; tổ chức  hơn 60 lớp Hội nghị  phổ biến, quán triệt Luật trực tiếp cho nhân dân tại các xã nghèo,  thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, Trung tâm còn ký hợp đồng với UBND cấp xã để thực hiện tuyên truyền bằng tiếng Việt về TGPL trên hệ thống truyền thanh của xã; thực hiện tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, Bản tin Tư pháp, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, lắp đặt các Bảng Thông tin về TGPL; cấp phát miễn phí các loại tờ rơi về pháp luật TGPL; Duy trì Đường dây nóng trong giờ hành chính để tiếp nhận các thông tin về yêu cầu TGPL của công dân …
Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL được thực hiện nghiêm túc: Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động và phương án xử lý đối với các Câu lạc bộ TGPL; hướng dẫn các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức tư vấn pháp luật về việc đăng ký tham gia thực hiện TGPL; hướng dẫn các cá nhân có đủ điều kiện theo quy định nộp hồ sơ làm cộng tác viên TGPL. Trung tâm đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch lựa chọn Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, trên cơ sở dự kiến nhu cầu TGPL của nhân dân và nguồn lực đáp ứng nhu cầu TGPL Trung tâm sẽ ký hợp đồng thực hiện TGPL với 03 Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Quảng Bình. Cấp ủy Chi bộ và lãnh đạo Trung tâm thường xuyên quan tâm đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, kỹ năng tác nghiệp cho TGVPL; 8 viên chức sau khi tham gia lớp đào tạo luật sư đã được Trung tâm thực hiện chế độ tập sự nghề nhằm trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; các TGVPL mới được bổ nhiệm được lãnh đạo Trung tâm phân công thực hiện vụ việc tố tụng cùng với các luật sư hoặc TGVPL có nhiều kinh nghiệm để có điều kiện học hỏi, rèn luyện. Các TGVPL đã tham gia hầu hết các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng và các vụ án dân sự, hành chính phức tạp, kéo dài. Chất lượng bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được TGPL của các TGVPL ngày càng được khẳng định khi mà số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho đối tượng theo đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý ngày càng nhiều, đặc biệt các vụ án dân sự, hành chính là những vụ án “khó nhằn” nhất nhưng các TGVPL đã chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt nội tình bên trong sự việc và đã thực hiện hòa giải thành rất nhiều vụ việc.
Các hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL ngày càng được chú trọng, thực hiện hiệu quả. Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp ban hành văn bản đề nghị các cơ quan chuyên môn, hội, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao quan tâm, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Luật; cung cấp đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định mới. Với những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức đối với công tác TGPL, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp nên nhiều bị can, bị cáo, đương sự đã được hướng dẫn, giải thích và giới thiệu đến Trung tâm để được TGPL.  Vì vậy, số vụ việc tham gia tố tụng thụ lý năm 2018 tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2017 (Năm 2017 có 92 vụ việc, năm 2018 có 131 vụ việc). Ngoài những đối tượng trong các vụ án thuộc trường hợp phải có người bào chữa theo quy định của Bộ luật TTHS thì những đối tượng thuộc diện người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số …đã được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm giới thiệu đến Trung tâm; các đối tượng trong vụ án hành chính, vụ án dân sự, hôn nhân gia đình cũng được cơ quan Tòa án chú ý giới thiệu đến Trung tâm, đặc biệt là sau khi Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy định phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng được ban hành thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 thì số lượng đối tượng được giới thiệu về Trung tâm ngày càng tăng lên. Ngoài ra, Trung tâm đã có các hoạt động phối hợp với Hội người khuyết tật, Hội Cựu chiến binh…để thực hiện TGPL cho đối tượng là người khuyết tật, Cựu Chiến binh.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tinh gọn các Chi nhánh TGPL nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động được cấp ủy, Lãnh đạo Trung tâm quan tâm, chỉ đạo nghiêm túc.  Cấp ủy Chi bộ Trung tâm đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ, máy, tinh giản biên chế, tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện cao đối với các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành, xác định rõ những việc cần làm ngay, những việc phải làm theo lộ trình, đặc biệt là những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng khóa XII. Năm 2018, Trung tâm tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo Đề án về điều chỉnh vị trí việc làm. Hiện tại, số biên chế của Trung tâm là 27, đã giảm 02 biên chế so với năm 2017.
 Theo quy định của Luật thì Chi nhánh TGPL không phải là thiết chế “cứng” của Trung tâm, chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nhân dân thì mới được thành lập; đối với những Chi nhánh đã thành lập, trong 01 năm kể từ khi Luật có hiệu lực phải thực hiện rà soát, sắp xếp lại, sáp nhập hoặc giải thể các Chi nhánh đã được thành lập, bảo đảm hiệu quả hoạt động. Hiện nay, Trung tâm có 05 Chi nhánh và sẽ tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Chi nhánh, phấn đấu đến năm 2021 giảm từ 05 Chi nhánh còn 02 Chi nhánh, số lượng biên chế viên chức của các Chi nhánh sẽ tăng cường cho Phòng nghiệp vụ.
Ngoài ra, Trung tâm cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ cải cách hành chính; ứng dụng CNTT; phòng, chống tham nhũng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, xây dựng đơn vị văn hóa. Cử 3 lượt TGVPL tham gia 3 Đoàn thanh tra liên ngành do UBND tỉnh; chủ trì tổ chức thực hiện và làm Báo cáo viên 13 Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại các xã trọng điểm vi phạm pháp luật; tham gia tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…  
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn những khó khăn, tồn tại mà thời gian tới cấp ủy, Lãnh đạo Trung tâm cần phải tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở Tư pháp cũng như cần có sự quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện như tăng số lượng vụ việc TGPL nhất là vụ việc dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình để không những đạt chỉ tiêu mà phải đạt được chỉ tiêu khá, tốt theo quy định của Bộ Tư pháp; chú trọng tăng cường các hình thức truyền thông về TGPL để TGPL thực sự đi vào cuộc sống đời thường của người dân; thực hiện tinh giản theo kế hoạch, rà soát, sắp xếp lại các Chi nhánh TGPL để bộ máy Trung tâm đảm bảo thực sự tinh gọn mà hiệu quả.
Phan Thủy -  Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước

Các tin khác