Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 2173

  • Tổng 7.084.483

Insert title here

HỎI ĐÁP

THÔNG TIN Ý KIẾN

Phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Theo các quy định về việc đấu giá tài sản, để hiểu rõ hơn hình thức áp dụng lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, tôi có thắc mắc mong Ban biên tập giải đáp như sau: I. Trình bày nội dung các căn cứ pháp lý 1. Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tư pháp: “Đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá trong trường hợp phương án đấu giá quyền sử dụng đất có phương thức giao đơn vị cụ thể thực hiện cuộc bán đấu giá hoặc trong trường hợp có báo cáo của cơ quan tài nguyên và môi trường đề xuất giao đơn vị cụ thể thực hiện cuộc bán đấu giá theo quy định tại Khoản 2 Điều này.”. 2. Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải được người có tài sản đấu giá thông báo công khai và áp dụng các tiêu chí để lựa chọn. 3. Theo quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016: “Trường hợp pháp luật quy định việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thông qua đấu thầu thì thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu.”. II. Các vấn đề thắc mắc cần giải đáp 1. Việc đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá khi phương án đấu giá quyền sử dụng đất có phương thức giao đơn vị cụ thể thực hiện cuộc bán đấu giá có được áp dụng không? Nếu áp dụng thì có trái với các quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 không? Nếu áp dụng phương thức giao đơn vị cụ thể thực hiện cuộc bán đấu giá thì áp dụng được hay không áp dụng được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016 để thực hiện lựa chọn đối với đơn vị này? 2. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016 đối với trường hợp không thông qua đấu thầu cần lập những văn bản cụ thể gì? Có áp dụng được các văn bản lập đối với khi áp dụng lựa chọn thông qua đấu thầu không? Kính mong Ban biên tập sớm có câu trả lời và ý kiến phản hồi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

THÔNG TIN PHẢN HỒI

 Trả lời:

1. Đối với nội dung hỏi: “Việc đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá khi phương án đấu giá quyền sử dụng đất có phương thức giao đơn vị cụ thể thực hiện cuộc bán đấu giá có được áp dụng không? Nếu áp dụng thì có trái với các quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 không? Nếu áp dụng phương thức giao đơn vị cụ thể thực hiện cuộc bán đấu giá thì áp dụng được hay không áp dụng được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016 để thực hiện lựa chọn đối với đơn vị này?”
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT- BTP ngày 04/04/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp thì trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cơ quan tài nguyên và môi trường lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt; nội dung phương án đấu giá quy định: Danh mục loại đất, vị trí, diện tích và hạ tầng kỹ thuật, tài sản gắn liền với các thửa đất đấu giá (nếu có); mục đích, hình thức (giao đất hoặc cho thuê đất), thời hạn sử dụng của các thửa đất khi đấu giá quyền sử dụng đất; dự kiến thời gian tổ chức thực hiện đấu giá các thửa đất; đối tượng và điều kiện được tham gia đấu giá; mức phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước phải nộp khi tham gia đấu giá; hình thức đấu giá được áp dụng khi thực hiện cuộc bán đấu giá; kinh phí, nguồn chi phí tổ chức thực hiện việc đấu giá; dự kiến giá trị thu được và đề xuất việc sử dụng nguồn thu từ kết quả đấu giá; phương thức lựa chọn đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá (đấu thầu rộng rãi hoặc giao đơn vị cụ thể thực hiện) hoặc đề xuất thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đặc biệt (đối với trường hợp được thành lập Hội đồng đấu giá đặc biệt theo quy định); đề xuất đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT- BTP được ban hành khi Luật Đấu giá tài sản chưa ban hành. Kể từ ngày 01/7/2017, Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành, theo đó Điều 1 và Điều 3 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật này và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này”; đồng thời Khoản 1 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản cũng quy định: “Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”.
Mặt khác, tại Công văn số 3285/BTP-VP ngày 04/9/2018 của Bộ Tư pháp gửi bản tổng hợp về việc tiếp nhận và trả lời kiến nghị của các Bộ ngành, địa phương, Bộ Tư pháp có ý kiến: “Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch trong hệ thống pháp luật về đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1073/BTP-BTTP ngày 03/4/2018 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành rà soát các quy định của Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP và hủy bỏ Thông tư nêu trên (Thông tư liên tịch này do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng)”
Theo các quy định của Luật Đấu giá tài sản thì việc người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là một trong thủ tục đấu giá tài sản; vì vậy việc phương án đấu giá quyền sử dụng đất có quy định phương thức giao đơn vị cụ thể và việc đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá không thông qua thủ tục lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là không phù hợp với quy định của Luật Đấu giá tài sản.
2. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016 đối với trường hợp không thông qua đấu thầu cần lập những văn bản cụ thể gì? Có áp dụng được các văn bản lập đối với khi áp dụng lựa chọn thông qua đấu thầu không?
Điểm e Khoản 2 Điều 77 Luật Đấu giá tài sản quy định: Bộ Tư pháp có trách nhiệm “xây dựng và quản lý trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc thông báo công khai trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản”. Vì vậy, hiện nay Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo quyết định công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản; theo đó, dự thảo Quyết định quy định việc công bố các thông tin về tổ chức đấu giá tài sản trên cơ sở cụ thể hóa các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản làm cơ sở để người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Trong khi Bộ Tư pháp chưa ban hành văn bản hướng dẫn về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 731/UBND-NC ngày 18/5/2018 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương: Đối với các tài sản phải bán đấu giá bắt buộc theo quy định của Luật đấu giá tài sản thì lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản. Các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh phải được Sở Tư pháp công bố trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải căn cứ các tiêu chí quy định tại Khoản 4, Điều 56 Luật đấu giá tài sản, trong đó tập trung vào các tiêu chí về phương án đấu giá, cơ sở vật chất, năng lực, kinh nghiệm hoạt động lâu năm, uy tín của tổ chức đấu giá tài sản. Người có tài sản phải thông báo công khai về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo các nội dung được quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản.
Đồng thời, Sở Tư pháp cũng có Công văn số 1232/STP-BTTP ngày 22/6/2018 đề nghị các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã thành phố: Hiện nay, Bộ Tư pháp chưa xây dựng trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản vì vậy ngoài việc đăng tải thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên trang thông tin điện tử của người có tài sản thì gửi thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cho Sở Tư pháp để đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp (theo địa chỉ: banbientap.stp@quangbinh.gov.vn). Để tạo điều kiện cho các tổ chức đấu giá tài sản có thời gian chuẩn bị hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá; đồng thời đảm bảo thống nhất giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương đề nghị thống nhất áp dụng thời gian thông báo, hình thức, thành phần hồ sơ lựa chọn tổ chức đấu giá, công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên trang thông tin điện tử của người có tài sản, trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản và trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp ít nhất 07 ngày làm việc.
Như vậy, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở Tư pháp chỉ quy định về việc lựa chọn tổ chức đấu giá, các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá mà không quy định cụ thể trình tự, thủ tục lựa chọn tổ chức đấu giá như: thời gian trong quá trình lựa chọn (Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn, Hồ sơ mời quan tâm, Thời gian chuẩn bị hồ sơ, Thời gian đánh giá hồ sơ, Thời gian phê duyệt hoặc có ý kiến xử lý về kết quả lựa chọn…), việc lập kế hoạch, phê duyệt kế hoạch lựa chọn, quy trình lựa chọn, phương pháp đánh giá hồ sơ…
Vì vậy, căn cứ Khoản 2 Điều 2 Luật Đấu thầu “Tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này được chọn áp dụng quy định của Luật này. Trường hợp chọn áp dụng thì tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định có liên quan của Luật này, bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế” thì khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đối với những nội dung Luật Đấu giá tài sản không quy định nhưng để đảo đảm công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá và lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có các tiêu chí theo quy định Luật Đấu giá tài sản thì có thể áp dụng Luật Đấu thầu và các văn bản có liên quan.
 

Quay lại