Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 2841

  • Tổng 7.089.707

Insert title here

HỎI ĐÁP

THÔNG TIN Ý KIẾN

Tp. Đồng Hới – Quảng Bình
Nhà nước có chế độ, chính sách nào đối với thanh niên xung phong ở miền Nam từ năm 1965 -1970 không?

THÔNG TIN PHẢN HỒI

 Trả lời: Ngày 06/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2017/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2017 (sau đây gọi tắt là Nghị định 112/2017/NĐ-CP). Nghị định 112/2017/NĐ-CP quy định về chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975 như sau:
Thứ nhất, về đối tượng và điều kiện áp dụng (khoản 2 Điều 1 và Điều 3 Nghị định số 112/2017/NĐ-CP)
- Đối tượng được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định Nghị định số 112/2017/NĐ-CP này bao gồm: Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 26/3/1965 đến ngày 30/4/1975 (sau đây gọi chung là thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam). Đồng thời, những đối tượng này phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
1. Được huy động tham gia kháng chiến theo Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam lần thứ nhất ngày 26/3/1965.
2. Tham gia tổ chức thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam do Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam hoặc chính quyền cách mạng cấp khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thành lập dưới các hình thức tổ chức như: Đại đội, trung đội, phân đội, tiểu đội, đội hoặc lấy tên đơn vị thanh niên xung phong gắn với địa danh, cấp hành chính.
3. Độ tuổi tham gia thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam từ 16 đến 30 tuổi. Trường hợp đặc biệt dưới 16 tuổi, có sức khỏe tốt, tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam và được các đơn vị thanh niên xung phong cơ sở chấp thuận nhưng không dưới 14 tuổi.
4. Có thời gian hoạt động tại cơ sở (xã, ấp, liên xã, liên huyện) từ ngày 26/3/1965 đến ngày 30/4/1975.
5. Phương thức hoạt động không tập trung.
6. Thực hiện một trong các nhiệm vụ sau: Làm giao liên dẫn đường, diệt ác ôn và chống tề; Làm công tác địch vận, tổ chức hoạt động liên lạc với những người của cách mạng hoạt động trong tổ chức của địch; Bảo vệ và chăm, nuôi cán bộ cách mạng; Trực tiếp tải thương, tiếp đạn phục vụ lực lượng vũ trang chính quy, và lực lượng vũ trang địa phương; Trực tiếp vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men, tài liệu từ vùng địch chiếm đóng ra căn cứ và ngược lại; Lập ấp, xã chiến đấu, tham gia xây dựng chiến hào, làm đường phục vụ kháng chiến; phá hủy cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị phục vụ chiến tranh của địch; Tham gia phục vụ chiến đấu hoặc tham gia phục vụ các chiến trường khi có yêu cầu của cấp trên; Tham gia thực hiện một số nhiệm vụ khác do tổ chức cách mạng phân công.
Thứ hai, các đối tượng không được hưởng chế độ, chính sách từ Nghị định 112/2017/NĐ-CP (Điều 2)
1. Đối tượng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được hưởng các chế độ, chính sách (chế độ trợ cấp một lần, chế độ trợ cấp hằng tháng và chế độ trợ cấp mai táng và chính sách vay vốn sản xuất, kinh doanh):
- Đã được giải quyết chế độ liệt sĩ; người từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi, người nuôi dưỡng hợp pháp hoặc người thờ cúng;
- Đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn; hoặc người bị kết án một trong những tội về xâm phạm đến an ninh quốc gia;
- Xuất cảnh trái phép, đang định cư ở nước ngoài bất hợp pháp hoặc bị tòa án tuyên bố là mất tích; hoặc thoái thác nhiệm vụ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi.
2. Đối tượng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được hưởng chế độ trợ cấp một lần, chế độ trợ cấp hằng tháng và chế độ trợ cấp mai táng:
- Hiện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hằng tháng hoặc đang công tác tại các cơ quan nhà nước, làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Đối tượng đã được tính thời gian tham gia thanh niên xung phong để hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương và Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
Thứ ba, về các chế độ, chính sách (Điều 4, 5, 6 và 7)
*Chế độ trợ cấp một lần:
- Thanh niên xung phong đủ điều kiện áp dụng nêu ở trên được trợ cấp một lần 2.500.000 đồng khi kháng chiến từ 2 năm trở xuống; từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm cộng thêm 800.000 đồng;
- Thanh niên xung phong có giấy tờ nhưng không thể hiện rõ thời gian kháng chiến thì được trợ cấp một lần 2.500.000 đồng;
- Thanh niên xung phong từ trần trước ngày Nghị định này có hiệu lực, thân nhân được trợ cấp một lần 3.600.000 đồng;
* Chế độ trợ cấp hàng tháng: Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hằng tháng mức 540.000 đồng
* Chế độ trợ cấp mai táng: Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam khi từ trần thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.Trường hợp thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam từ trần sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng quy định tại Nghị định này thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
* Chính sách vay vốn sản xuất, kinh doanh:
- Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống.
- Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam khi làm thủ tục vay vốn phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận thuộc đối tượng được vay vốn để sản xuất, kinh doanh.
- Mức vay, lãi suất vay, thời hạn vay vốn, phương thức cho vay và các quy định cho vay khác được áp dụng như đối với chương trình cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ.
Trên đây là quy định của pháp luật về chế độ chính sách, đối tượng, điều kiện được hưởng các chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975, Trung tâm tư vấn cho bà được biết.

Quay lại