Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 612

  • Tổng 7.091.547

Insert title here

HỎI ĐÁP

THÔNG TIN Ý KIẾN

Quảng Ninh – Quảng Bình
Hỏi: gia đình tôi có 01 mảnh đất 300m2, trong đó 50m2 đất ở, còn lại 250 m2 là đất trồng cây hàng năm khác. Nay tôi muốn chuyển 150m2 đất trồng cây hàng năm sang đất ở. Cho tôi hỏi thủ tục về chuyển đổi quyền sử dụng đất được quy định như thế nào?

THÔNG TIN PHẢN HỒI

 Trả lời: Theo quy định tại Điều 57 Luật đất đai 2013 về chuyển mục đích sử dụng đất:

“1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định ở trên thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng”.
Theo quy định nêu trên, nếu ông muốn chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây hàng năm khác thành đất ở thì ông phải xin phép cơ quan có thẩm quyền vì thuộc trường hợp chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Về trình tự thủ tục được quy định tại Điều 61, Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Điều 6 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất và Quyết định số 39/2016/QĐ-UBND ngày 01/12/2016 của UBND tỉnh ban hành quy định trình tự, thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai áp dụng cho đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Cụ thể như sau:
- Người đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ tại Trung tâm giao dịch một cửa liên thông cấp huyện hoặc Bộ phận một cửa cấp xã nơi có đất, hồ sơ gồm có:
+ Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường);
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Trình tự thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 61 và Điều 69 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ). Cụ thể: Cơ quan tài nguyên và môi trường (Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện) có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính; Chuyển hồ sơ cho Một cửa liên thông cấp huyện hoặc Bộ phận một cửa cấp xã để trả kết quả cho người sử dụng đất.

- Thời gian giải quyết là mười lăm (15) ngày làm việc, được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. (Đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm mười lăm (15) ngày làm việc).

Quay lại