Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 3264

  • Tổng 6.986.741

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và “Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024” tỉnh: Triển khai nhiệm vụ năm 2023

14:3, Thứ Năm, 30-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 28/3/2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và “Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024” tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá về kết quả thực hiện trong năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh dự và chủ trì tại hội nghị. Tham dự có thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

Đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

          Thời gian qua, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành viên, các địa phương tích cực rà soát các nhiệm vụ của “Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024” để chủ động tham mưu và phối hợp có hiệu quả với các sở, ban, ngành, địa phương nhằm bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định. Đặc biệt, toàn bộ các số liệu đăng ký hộ tịch đều được Ban Chỉ đạo tỉnh thống kê, tổng hợp đầy đủ, chính xác và công bố công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa phương thức đăng ký và thống kê hộ tịch, như: Trang bị máy tính, kết nối mạng Internet, máy in, máy scan phục vụ cho công tác đăng ký quản lý hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch. Nhờ đó, đến nay tại các Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã 100% công chức phụ trách công tác tư pháp hộ tịch và công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã đều được bố trí máy ví tính có kết nối mạng internet, máy in và cơ bản, các địa phương đã trang cấp máy scan để phục vụ nhiệm vụ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính...

Đối với việc thực hiện Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, trong năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giám định tư pháp, ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra các tổ chức giám định tư pháp, tiến hành rà soát đội ngũ Giám định viên tư pháp, đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp theo quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập, 04 tổ chức giám định theo vụ việc, 37 giám định viên tư pháp, 72 người giám định tư pháp theo vụ việc. Cũng trong năm, các tổ chức giám định tư pháp công lập đã tiến hành giám định 1.805 vụ việc. Nhìn chung, công tác giám định trên địa bàn đều tuân thủ các quy định của pháp luật về giám định tư pháp, thời hạn, trình tự giải quyết các vụ việc giám định đều thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo giải quyết kịp thời, nhanh chóng, chính xác các yêu cầu giám định, không để oan sai, đồng thời đảm bảo tính pháp lý của kết luận giám định phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự...

          Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị, thời gian tới, toàn tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch để người dân tiếp cận sâu hơn về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác đăng ký, thống kê hộ tịch của các cơ quan, tổ chức, hạn chế tình trạng đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn, tăng tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến. Tiếp tục khảo sát, đánh giá, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hộ tịch, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hộ tịch. Thực hiện tốt việc số hoá cơ sở dữ liệu hộ tịch giấy sang dữ liệu điển tử. Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC về lĩnh vực hộ tịch...  Đối với việc thực hiện Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, thời gian tới, toàn tỉnh cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp; huy động các nguồn lực để từng bước hiện đại hóa công tác giám định tư pháp; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định tại địa phương...

Thu Hương

Các tin khác