Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 20

  • Hôm nay 10227

  • Tổng 97.683

Vai trò của Trợ giúp pháp lý trong đảm bảo thực hiện quyền con người trong hoạt động tố tụng

Post date: 05/07/2018

Font size : A- A A+

Quyền con người là thành tựu chung của cả loài người, là giá trị nhân văn cao quý nhất, là kết tinh của nền văn minh nhân loại. Những thành tựu pháp lý quốc tế về quyền con người hiện nay là sản phẩm của cuộc đấu tranh hết sức lâu dài, gian khổ của toàn thể nhân loại tiến bộ, chống áp bức, bất công, xây dựng cuộc sống tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của loài người, nhận thức về quyền con người, nội dung về quyền con người tiếp tục được phát triển.

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt nền móng lý luận và thực tiễn cho việc hình thành và phát triển khái niệm nhân quyền. Từ thực tiễn hoạt động cách mạng và ngày càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc, Người khẳng định: Quyền của mỗi con người luôn gắn chặt và không tách rời với quyền dân tộc, với độc lập chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Quyền con người chỉ có thể có được thông qua con đường đấu tranh cách mạng chống áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tư tưởng về nhân quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng con đường cách mạng của dân tộc Việt Nam. Và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 80 năm qua, dân tộc ta đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử về nhiều mặt, đặc biệt trên lĩnh vực nhân quyền. Các quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội…đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Từ Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 đều ghi nhận và thể chế hóa quyền con người, từng bước mở rộng quyền con người trong quyền công dân. Nhất là sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới thì quyền con người và quyền công dân đã được hiện thực hóa trên cả bình diện pháp lý và thực tế, Nhà nước chuyển từ vai trò là người cung cấp sang vai trò là người đảm bảo các điều kiện pháp lý cho mỗi người dân thực hiện quyền của mình. Và đến Hiến pháp 2013 thì đã mở rộng hơn và phân định rõ ràng, cụ thể với 15 quyền con người và 11 quyền công dân với sự đảm bảo thực hiện cao hơn, chặt chẽ hơn.
Một trong những quyền con người quan trọng được quy định trong Hiến pháp là quyền không bị coi là có tội. Hiến pháp 2013 quy định: không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; quyền nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Công cuộc cải cách tư pháp được Đảng ta đặt ra với những định hướng cơ bản như hoàn thiện thể chế hình sự, dân sự, thủ tục tư pháp, các thiết chế bổ trợ tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao …để bảo vệ tốt nhất quyền con người trong lĩnh vực tư pháp. Quyền con người trong lĩnh vực tư pháp được Nhà nước bảo vệ, đảm bảo thực hiện thông qua các quy định của pháp luật trong cả quá trình tố tụng, giải quyết vụ án, từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử, thi hành án. Mỗi giai đoạn đều có các quy định cụ thể để đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm và không được làm oan người vô tội. Đặc biệt là đảm bảo việc tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2006 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Theo đó, một hệ thống văn bản pháp luật đã cụ thể hóa, bổ sung đầy đủ, thể hiện rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; hoạt động bổ trợ tư pháp cũng từng bước được xã hội hóa mạnh mẽ với sự ra đời của Luật Luật sư, Luật TGPL.
Một trong những hình thức quan trọng của hoạt động TGPL (TGPL) là Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được TGPL là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được TGPL là người bị hại, nguyên đơn dân dự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính để bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của người được được TGPL trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Như vậy, Nhà nước đã đề cao và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng bằng cách đặt vị thế quan trọng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư để thực hiện chức năng gỡ tội trong mối quan hệ biện chứng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng xét xử.
Sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên trong quá trình giải quyết vụ án đã góp phần đảm bảo cho các nguyên tắc cơ bản của Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính… được thực hiện nghiêm túc. Những nguyên tắc cơ bản này đã thể hiện đầy đủ quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người. Nguyên tắc pháp chế XHCN, nguyên tắc đảm bảo thực hành quyền công tố và kiểm soát việc tuân theo pháp luật, nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc xét xử công khai… khi được tuân thủ triệt để thì quyền cơ bản của con người cũng được bảo vệ triệt để.
Trong pháp luật tố tụng hình sự, quyền con người được pháp luật bảo vệ thông qua các quy định về các biện pháp ngăn chặn, các quy định về khởi tố vụ án hình sự, các quy định về điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Trong pháp luật tố tụng dân sự, quyền con người được pháp luật bảo vệ thông qua các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời, về chứng minh và chứng cứ, các quy định về quyền khởi kiện…Đặc biệt, quyền con người thêm một lần nữa được pháp luật bảo vệ thông qua việc quy định các quyền của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho đối tượng trong quá trình tham gia tố tụng. Các quyền cơ bản như: quyền được tham gia bào chữa ngay khi đối tượng bị tạm giữ, tạm giam; quyền được có mặt trong hỏi cung, lấy lời khai; quyền được tranh tụng tại phiên tòa; quyền xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp cho Tòa án…được pháp luật quy định rất cụ thể.
Từ 1/1/2013 đến 31/5/2018, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư là cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tham gia tố tụng 659 vụ án (Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 451 vụ án , Luật sư là cộng tác viên tực hiện 208 vụ án), trong đó 545 vụ án hình sự; 83 vụ án dân sự - hôn nhân gia đình; 31 vụ án hành chính cho các đối tượng là người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng... Bằng các hoạt động của mình trong quá trình giải quyết vụ án cùng với sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng; góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, không vô tư, khách quan trọng hoạt động tố tụng, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người được TGPL, góp phần giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Người được TGPL hài lòng về thái độ phục vụ, cách thức thực hiện TGPL của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và tổ chức thực hiện TGPL. Điển hình, có những vụ, việc phức tạp kéo dài nhiều năm không giải quyết được, đặc biệt là những vụ hành chính, tranh chấp đất đai người dân tưởng chừng như bỏ cuộc nhưng khi được Trợ giúp viên pháp lý tham gia trợ giúp thì vụ, việc được giải quyết thành công hơn cả mong đợi của người dân, như vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Trần Thị Nhung ở Thị trấn Nông trường Lệ Ninh; vụ bà Trần Thị Thiết ở Phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới làm chế độ trợ cấp đối với thân nhân người có công với cách mạng; vụ Phạm Bá Nguyên ở xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa…
Hiện nay, công tác TGPL đứng trước những yêu cầu cao hơn về chất lượng, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, lấy lợi ích hợp pháp của người dân làm trọng tâm theo tinh thần Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Điều đó đòi hỏi cần phải có đầy đủ nguồn lực và chất lượng nguồn lực để đảm bảo quyền được TGPL của người dân mà Quốc hội khóa XIII đã bổ sung một cách đầy đủ và triệt để trong các Bộ luật, Luật quan trong như: Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam... Trước yêu cầu đó, cần có những giải pháp đảm bảo thực hiện các quyền con người trong hoạt động tố tụng:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đặc biệt là pháp luật về tố tụng; tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan hoạt động TGPL; hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, cần nâng cao và nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của công tác TGPL và yêu cầu đặt ra trong điều kiện mới về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm về chất lượng, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp; chú trọng và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường mối quan hệ phối hợp trong công tác TGPL, đặc biệt là mối quan hệ phối hợp giữa Trung tâm TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước kết hợp với kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động TGPL. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, phản hồi kết quả giải quyết vụ việc đối với vụ việc phức tạp, kéo dài.

Phan Thị Bích Thủy

More