Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 3134

  • Tổng 7.149.994

Đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu từ thực tiễn thi hành tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Bình

Post date: 28/04/2020

Font size : A- A A+

Luật Đấu giá tài sản (Luật) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Theo quy định của Luật thì tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) bị tịch thu sung quỹ nhà nước là một trong những loại tài sản được bán thông qua đấu giá.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình thực hiện chức năng tổ chức đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh cũng như của Sở Tư pháp, hoạt động đấu giá tài sản nói chung và đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện VPHC của Trung tâm ngày càng có sự chuyển biến tích cực. Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo chặt chẽ, khách quan, minh bạch, bảo vệ lợi ích của nhà nước, tổ chức và cá nhân khi tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm với các đơn vị có tài sản là các cơ quan tiến hành tịch thu tang vật phương tiện VPHC trên địa bàn như: Kiểm lâm, Cục Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an... trong việc thực hiện nhiệm vụ; cùng nhau phối hợp từ đó có những giải pháp thích hợp để gia tăng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và trở thành địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực đấu giá tài sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong năm vừa qua (số liệu tính từ ngày 01/01/2019 đến 31/12/2019), Trung tâm đã ký kết được 33 hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tổ chức 31 cuộc đấu giá thành, tổng giá bán được là 2.016.093.000 đồng, tiền chênh lệch tăng so với giá khởi điểm là 83.389.000 đồng. Các loại tài sản tịch thu sung quỹ được chuyển giao cho Trung tâm để bán đấu giá thường là mặt hàng đa dạng về chủng loại như xe ô tô, xe gắn máy, đồ điện tử, áo quần, giày dép ... và đa số đều là các mặt hàng đã qua sử dụng. Quá trình triển khai đấu đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện VPHC Trung tâm nhận thấy còn một số bất cập giữa các quy định của của pháp luật chưa phù hợp, chưa rõ hoặc một số vấn đề liên quan đến đấu giá chưa được các tổ chức có tài sản thực hiện theo quy định đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm. Cụ thể:
Thứ nhất, theo Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản quy định, trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá phải thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều này giúp người có tài sản có thể lựa chọn tổ chức bán đấu giá có uy tín, kinh nghiệm, năng lực; nâng cao tính minh bạch, khách quan trong hoạt động bán đấu giá. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn đa số các tổ chức có tài sản đấu giá là tang vật, phương tiện VPHC chưa thực hiện việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Do đó chưa đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá.
Thứ hai, do tính chất của tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước thường là những mặt hàng đã qua sử dụng, không có các chế độ bảo hành, khuyến mãi, hậu mãi chất lượng, chăm sóc khách hàng. Những lô tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước được bán theo từng quyết định tịch thu nên có những mặt hàng thường không đi liền chủng loại gây khó khăn trong việc tiêu thụ cả lô hàng đấu giá.
Thứ ba, bên cạnh vấn đề về chất lượng tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước thì đa số các lô tài sản thường có số lượng lớn và nhiều mặt hàng khác nhau nên người mua tài sản thường là các khách hàng ngoại tỉnh từ các địa bàn tiêu thụ lớn. Mặt khác, hiện nay Bộ Tư pháp vẫn chưa xây dựng trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản nên việc thông báo về tài sản đấu giá còn chưa rộng rãi, thiếu kênh quảng cáo đầu mối để các khách hàng dễ tiếp cận dẫn tới rất ít đối tượng nắm được thông tin để tham gia mua tài sản tịch thu.
Để công tác đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện VPHC trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, xin đề xuất các giải pháp và kiến nghị như sau:
Một là, các cấp, các ngành, các cơ quan có liên quan cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đấu giá tài sản nói chung và tài sản là là tang vật, phương tiện VPHC nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết, cho công chức, người có thẩm quyền và các đối tượng liên quan; rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung quy chế, các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Hai là, đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục kiểm tra và chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý VPHC và đấu giá tài sản của các đơn vị có tài sản và các tổ chức đấu giá tài sản nhằm đưa công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Cần tăng cường các hình thức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Đấu giá viên hiện đang hành nghề. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương có liên quan trong việc tạo điều kiện để Đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Ba là, với nghề nghiệp, đấu giá viên cần có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đấu giá tài sản nơi mình làm việc, danh dự, uy tín của nghề đấu giá; ứng xử văn minh, lịch sự trong hoạt động hành nghề đấu giá; không được lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi.
Bốn là, đối với các cơ quan, tổ chức có tài sản là tang vật, phương tiện VPHC cần thực hiện nghiêm túc quy định về lựa chọn tổ chức đấu giá, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, khách quan. Đảm bảo nguyên tắc “tuân thủ quy định của pháp luật”  mà Luật Đấu giá tài sản đã quy định. Mặt khác, để tăng tỉ lệ thành công, khi thực hiện đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, có thể phân loại hàng hóa theo chủng loại để phân lô đấu giá như vậy sẽ thu hút các đối tượng tham gia theo nhu cầu và việc đấu giá sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn.
Năm là, đề nghị Bộ Tư pháp cần sớm xây dựng trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản để khách hàng có nhu cầu mua tài sản là là tang vật, phương tiện VPHC thuận tiện khi theo dõi thông tin và nộp hồ sơ tham gia đấu giá theo quy định. Ngoài ra Bộ cần hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá để thực hiện công bằng, minh bạch khi lựa chọn nhằm lựa chọn được các tổ chức đấu giá có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, hiệu quả nhất khi thực hiện việc tổ chức đấu giá.     
Để công tác thực hiện đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước được nâng cao hiệu quả, cần sự nhiệt tình chung tay góp sức của các cấp, các ngành, của cả cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức đấu giá tài sản vào cuộc và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp; tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu được tiếp cận và tham gia cuộc đấu giá ( cả bên bán, bên mua, bên điều hành đấu giá) được thuận lợi, thành công./.
Minh Toàn

More