Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 320

  • Tổng 7.122.771

Hội luật gia tỉnh với công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật

Post date: 15/04/2020

Font size : A- A A+

Xác định đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát xã hội, phản biện xã hội, các cấp Hội Luật gia trong tỉnh đã chủ động phối hợp hoặc được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đề nghị tham gia giám sát xã hội, phản biện xã hội trên địa bàn, thông qua đó theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật.

Nội dung giám sát được xác định là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Nội dung phản biện xã hội là sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo; dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bảo dự thảo.... Hoạt động giám sát và phản biện xã hội còn được thể hiện ở việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, nội dung góp ý xây dựng Đảng gồm góp ý đối với tổ chức Đảng và góp ý đảng viên; góp ý xây dựng chính quyền gồm góp ý với cơ quan, tổ chức và góp ý với cá nhân. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát huy quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Giám sát, phản biện xã hội của Hội Luật gia thông qua hình thức tập hợp lấy ý kiến của Hội viên, của nhân dân góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cùng cấp; tham gia các đoàn giám sát, tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, qua góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.
Chỉ tính trong năm 2019 và đầu năm 2020, Đại diện Lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh đã và đang tham gia các Đoàn Giám sát của Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về giám sát việc thực hiện quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với nhân dân theo Quyết định số 1896-QĐ/TU ngày 11/5/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại UBND các huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch, Bố Trạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Giáo dục Đào tạo. Đang thực hiện giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính giai đoạn từ 2016 đến tháng 3/2020 tại Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Công thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng, Cục Thuế, Cục Hải quan Quảng Bình, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đồng Hới và UBND xã Quang Phú, Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy và UBND xã Mai Thủy. Nội dung giám sát gồm: Giám sát vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính của sở, ngành, địa phương. Kết quả việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính từ năm 2016 đến tháng 3/2020; kết quả giải quyết thủ tục hành chính; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; công tác tuyên truyền, tập huấn, tổ chức bộ máy cán bộ, tài chính đáp ứng nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính của sở, ngành, địa phương.
Ngoài trực tiếp tham gia các đoàn Giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành lập, việc giám sát của Hội Luật gia còn được thực hiện thông qua các hình thức, biện pháp khác, như: Hội viên Luật gia tham mưu, giúp lãnh đạo nơi Hội viên công tác trong việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát và tham gia với vai trò thành viên của Đoàn để thực hiện  kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị; tài chính ; sắp xếp tổ chức bộ máy, thi hành án dân sự; du lịch; hành nghề y, dược tư nhân; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Ngoài ra còn thông qua việc trực tiếp tham gia tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, hội viên và Nhân dân, theo đó, Thường trực Tỉnh hội đã tổng hợp báo cáo theo yêu cầu của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong năm 2019. Trong năm 2019, theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân và các sở, ngành liên quan, trong năm, lãnh đạo Thường trực Tỉnh hội, các Huyện, Thành, Thị hội, các Chi hội trực thuộc Tỉnh hội đã tích cực tham gia góp ý kiến bằng nhiều hình thức vào 15 Dự án Luật phục vụ chương trình xây dựng luật của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8 (Quốc hội Khóa XIV.
Qua công tác chuyên môn, các Luật gia đang công tác trong các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đã tham gia nghiên cứu, góp ý kiến trên 180 nội dung dự án, văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, đoàn thể Trung ương và của địa phương chuyển đến. Lãnh đạo các cấp Hội Luật gia tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đã nhận nhiệm vụ trước lãnh đạo cơ quan trong việc tham mưu soạn thảo, góp ý kiến ban hành 475 văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh liên quan ngành, lĩnh vực công tác chuyên môn về đảm bảo an ninh trật tự; về thủ tục hải quan; thủ tục hành chính, tư pháp; công tác quản lý và bảo vệ rừng; công tác phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát xã hội, phản biện xã hội và công tác xây dựng, ban hành VBQPPL vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Chưa phát huy hết nguồn lực trong việc tham gia xây dựng pháp luật, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần lấy ý kiến ít được gửi đến tổ chức Hội nên không có cơ sở để các tổ chức Hội tham gia. Theo quy định hiện hành, thì có các hình thức phản biện xã hội, như: Tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản được phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội. Tuy nhiên, các hình thức do Hội thực hiện còn ít về loại hình và tần suất...Việc giám sát của Hội chủ yếu là tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, còn việc giám sát thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét các văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, của Hội viên chưa nhiều; việc tự tổ chức giám sát chưa được thực hiện. Việc tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật chỉ được thực hiện với tư cách đại diện khi có cơ quan Nhà nước yêu cầu, chưa thể hiện tính chủ động của thành viên của Mặt trận. Công tác phản biện xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa có sự giao việc cụ thể từ các cơ quan Nhà nước và thiếu sự chủ động đề xuất nhận việc từ các tổ chức Hội. Ngoài yếu tố chủ quan do một số hội viên chưa thật sự tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ hoặc thiếu kịp thời tham mưu, đề xuất. Nguyên nhân khách quan, đó là, một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi có tổ chức Hội chưa thật sự quan tâm đến công tác Hội, còn thiếu các điều kiện đảm bảo như kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho Hội.
Để công tác giám sát xã hội, phản biện xã hội và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật ngày càng hiệu quả hơn, trước hết cần phải tuân thủ và thực hiện triệt để sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; công khai, minh bạch; không làm ảnh hưởng đến đối tượng giám sát, phản biện. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước hết từ trong Đảng đến xã hội về tầm quan trọng, vai trò của phản biện xã hội. Gắn nhiệm vụ giám sát, phản biện với việc lắng nghe ý kiến của Nhân dân, góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Có các hình thức lấy ý kiến, điều tra xã hội học phù hợp, tổ chức tham vấn ý kiến Nhân dân, các chuyên gia, luật gia về những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích trực tiếp của người dân trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, làm tăng thêm sự đồng thuận trong xã hội. Vừa thực hiện đồng bộ triệt để, vừa vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp hình thức giám sát và phản biện xã hội, trong đó chú trọng việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên với cơ quan, tổ chức có liên quan. Cần làm tốt khâu chuẩn bị và tổ chức thực hiện phản biện xã hội; mời các chuyên gia, các luật gia, thành viên hội đồng tư vấn, người có kinh nghiệm tham gia phản biện xã hội. Các cấp hội và mỗi hội viên luật gia tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và địa phương. Tích cực chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp và các cơ quan trong việc xây dựng, soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia, phối hợp với công tác chuyên môn để rà soát, thẩm định các văn bản QPPL của các cấp các ngành đã ban hành để kịp thời tham mưu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ theo quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm cần gửi chương trình, kế hoạch về các dự thảo đề án, dự án, dự thảo văn bản QPPL đến Ủy ban MTTQ Việt Nam và các các tổ chức thành viên, trong đó có Hội Luật gia để chủ động trong việc chuẩn bị các nguồn lực, điều kiện thực hiện nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện giám sát, phản biện, tham gia ý kiến . Việc tiếp thu, phản hồi các ý kiến góp ý qua giám sát, phản biện và từ các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cần được tổng hợp, lắng nghe và tiếp thu, phản hồi nghiêm túc.
Nguyễn Thị Lài
                                                                      Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh

More