Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 3134

  • Tổng 7.149.994

Xây dựng Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Post date: 24/09/2020

Font size : A- A A+

Thừa phát lại (TPL) là một nghề cung cấp dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp có lịch sử phát triển lâu đời, vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của các quốc gia trên thế giới. TPL có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại và nước có truyền thống TPL lâu đời nhất, chuyên nghiệp nhất là Pháp. Từ thời La Mã cổ đại, các quan tòa Pháp đã phải nhờ đến sự trợ giúp của một đội ngũ những người được gọi là “officiales” để thực hiện hai chức năng là giữ gìn trật tự tại phiên tòa và kê biên tài sản hoặc đưa vào tù những con nợ trây ỳ. Đến thời Trung cổ, đội ngũ nhân viên này được đổi tên thành “sergent”, những người chủ yếu làm nhiệm vụ tống đạt văn bản và thi hành án và “huissier” những người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự tại phiên tòa - tiếng Việt là TPL[1].


[1]Nguồn: Nhà Xuất bản bản chính trị quốc gia sự thật-  http://www.nxbctqg.org.vn/mo-hinh-to-chuc-hoat-dong-thua-phat-lai-tren-the-gioi.html

Ở Việt Nam, TPL lại xuất hiện từ thời Pháp thuộc, miền Bắc gọi là Chưởng tòa, miền Trung gọi là Mõ tòa, miền Nam là TPL. Vì nhiều lý do nên sau năm 1954 (ở miền Bắc) và sau năm 1975 (ở miền Nam), chế định TPL không duy trì nữa[1]. Đến năm 2009 chế định TPL được khôi phục, thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự trên tinh thần Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự; mở rộng thí điểm thêm 12 địa phương theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL và sau đó triển khai trên phạm vi toàn quốc theo Nghị quyết số 107/2015/QH14 ngày 26/11/2015 về thực hiện chế định TPL. Đây là thời điểm đánh dấu sự ra đời của một nghề mới, nghề TPL, tạo điều kiện cho việc phát triển các Văn phòng TPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Theo quy định Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL, TPL là người được Nhà nước bổ nhiệm, hoạt động độc lập, được tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự, người có quyền, lợi ích liên quan và tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự và pháp luật có liên quan. TPL hành nghề thông qua Văn phòng TPL được tổ chức theo hình thức Văn phòng TPL do một TPL thành lập (doanh nghiệp tư nhân) hoặc Văn phòng TPL do từ hai TPL trở lên thành lập (Công ty hợp danh). Đồng thời, Điểm d Khoản 1 Điều 68 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng TPL tại địa phương. Để triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP tại Quyết định 490/QĐ-BTP và Công văn số 875/BTP-BTTP ngày 13/3/2020 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; Kế hoạch số 472/KH-UBND ngày 08/01/2020 của UBND tỉnh Quảng Bình triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ- đều quy định giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Đề án phát triển Văn phòng TPL; thời gian hoàn thành năm 2020.
Trong những năm qua kinh tế - xã hội Quảng Bình đã đạt được nhiều thành tựu lớn; năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,03%; năm 2019, kinh tế (GRDP) tiếp tục tăng trưởng 7,4%. Cùng với sự phát triển về kinh tế, các quan hệ xã hội diễn ra cũng có xu hướng ngày càng đa dạng, phức tạp, phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp; các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động thường xuyên xảy ra và có chiều hướng tăng về số lượng, phức tạp, đa dạng hơn về nội dung. Qua khảo sát từ năm 2018 đến 30/4/2020 các cơ quan tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh[2] đã tống đạt 19.2020 giấy tờ, hồ sơ, tài liệu (trong đó năm 2018 đã tống đạt 7.462 giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; 2019 đã tống đạt 8.902 giấy tờ, hồ sơ, tài liệu và từ 01/01/2010 đến 30/4/2012 đã tống đạt 2. 856 giấy tờ, hồ sơ, tài liệu); các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã thụ lý mới 8.531 vụ việc (trong đó, năm 2018 đã thụ lý 2.964 vụ việc; năm 2019 đã thụ lý 3.453 vụ việc; và từ 01/01/2010 đến 30/4/2012 đã thụ lý 2.114 vụ việc); đã giải quyết xong 7.520 vụ việc (trong đó, năm 2018 đã giải quyết xong 2.747 vụ việc; năm 2019 đã giải quyết xong 3.041 vụ việc; từ 01/01/2010 đến 30/4/2012 đã giải quyết xong 1.732 vụ việc). Với số lượng án dân sự phải thi hành và việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu lớn như vậy trong giai đoạn hiện nay, việc thành lập Văn phòng TPL tại tỉnh Quảng Bình sẽ đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh về việc lập văn bằng, tống đạt giấy tờ tài liệu, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án của các cơ quan tiến hành tố tụng, Nhân dân một cách đầy đủ và thuận tiện; tạo cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án; giảm tải công việc cho hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự, nhất là trong bối cảnh các cơ quan này đang thực hiện tinh giản biên chế.
Xét trên cả phương diện chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ bản chất hoạt động TPL và thực tiễn thực hiện pháp luật về TPL trong thời gian qua, thì việc xây dựng Đề án phát triển Văn phòng TPL với tầm nhìn cho những năm tiếp theo là một nhu cầu hết sức cấp bách để quản lý, điều tiết sự phát triển các Văn phòng TPL trong điều kiện xã hội hóa hoạt động TPL. Đặc biệt là theo dự báo thì trong những năm tới, nhu cầu TPL sẽ có sự phát triển mạnh ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Bình nói riêng, cùng với sự phát triển của các quan hệ dân sự kinh tế, thương mại nhất là trong bối cảnh Luật Đầu tư sửa đổi đã đưa dịch vụ kinh doanh đòi nợi vào lĩnh vực cấm kinh doanh.
Như vậy, Đề án phát triển Văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh được ban hành sẽ triển khai kịp thời chủ trương xã hội hóa hoạt động TPL theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và quy định của Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày của Quốc hội; Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc triển khai chế định TPL trên phạm vi toàn quốc; đặc biệt là nhiệm vụ được Bộ Tư pháp giao tại Quyết định 490/QĐ-BTP và Công văn số 875/BTP-BTTP ngày 13/3/2020. Đồng thời, thông qua việc triển khai thực hiện Đề án phát triển Văn phòng TPL sẽ nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về tính chất, tầm quan trọng của hoạt động TPL trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp; hiểu rõ tầm quan trọng, lợi ích cũng như giá trị pháp lý đối với các dịch vụ tống đạt; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án do TPL cung cấp trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; từ đó dần định hình thói quen sử dụng các dịch vụ do TPL cung cấp. Góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động TPL, đặc biệt là các Văn phòng TPL, gắn việc quản lý nhà nước đối với việc xây dựng quy hoạch, lộ trình phát triển mạng lưới Văn phòng TPL theo định hướng, điều tiết của Nhà nước. Từ đó đảm bảo việc phát triển Văn phòng TPL theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương; vì vậy giá trị thực tiễn lớn nhất của Đề án đó là phát triển mạng lưới Văn phòng thừa phát lại rộng khắp và phân bố hợp lý gắn với địa bàn dân cư, có tính ổn định và bền vững cao. Nâng cao địa vị và vị thế, của TPL và hoạt động TPL, tạo điều kiện cho TPL trong quá trình thực hiện các chức trách được Nhà nước ủy quyền, đặc biệt là trong công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đại diện cho khách hàng của mình để giải quyết công việc nhằm hỗ trợ cho hoạt động tư pháp trước, trong và sau phiên tòa xét xử. Từ đó đảm bảo tốt hơn, tối ưu hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; Góp phần giảm thiểu áp lực cho Tòa án, cho cơ quan thi hành án, qua đó, giảm bớt tình trạng án tồn đọng; tạo ra môi trường hành lang pháp lý rõ ràng và đảm bảo cho các giao dịch dân sự, kinh tế được thực hiện theo đúng pháp luật, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Phòng Bổ trợ tư pháp

 


[1] Nguồn: Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam số 4 năm 2019- Lịch sử chế định pháp luật về thừa phát lại tại Việt Nam- tác giả Nguyễn Vinh Hưng
[2] Theo số liệu của 9 cơ quan thi hành án dân sự (Cục thi hành án dân sự tình và các Chi cục thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố; VKSND thành phố Đồng Hới và huyện Lệ Thủy; TAND thị xã Ba Đồn và huyện Tuyên Hóa.

More