Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 24

  • Hôm nay 2807

  • Tổng 7.331.318

Một số kết quả thực hiện xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian qua

Post date: 09/03/2020

Font size : A- A A+
Bổ trợ tư pháp bao gồm hoạt động liên quan đến các lĩnh vực như: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, thừa phát lại... Việc sử dụng dịch vụ pháp lý từ các hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm giảm sức ép cho các cơ quan nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng lớn của người dân, đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra chủ trương xã hội hóa nhiều hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như: Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn, Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình; hoàn thiện chế định công chứng, xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng; xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này; nghiên cứu chế định thừa phát lại, trước mắt, có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo… Trong đó, xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. Đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp là một trong những thành tựu nổi bật của cải cách tư pháp ở Việt Nam những năm qua, không chỉ góp phần thúc đẩy bảo vệ công lý, bảo vệ an toàn giao dịch cho người dân, thành công của xã hội hoá trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương xã hội hoá nói chung, góp phần khích lệ cho việc mở rộng xã hội hoá các dịch vụ công khác.
Đối với tỉnh Quảng Bình trong những năm vừa qua, thực tiễn cho thấy xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp đã mang lại những kết quả bước đầu, đảm bảo lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Việc xã hội hóa các tổ chức bổ trợ tư pháp, nhất là luật sư, công chứng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, các hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp đã hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách của địa phương.
Hoạt động hành nghề của luật sư trên địa bàn tỉnh hiện đang phát triển theo xu thế ổn định, tập trung vào nâng cao chất lượng chuyên môn. Các tổ chức hành nghề luật sư ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp, từng bước phát huy được thế mạnh, tạo được uy tín trên thị trường dịch vụ pháp lý trong và ngoài tỉnh, nhất là trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Nhiều Văn phòng luật sư, Công ty Luật đã tạo được uy tín trong tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, doanh nghiệp. Hoạt động tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý khác của các tổ chức hành nghề luật sư đã góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Qua đó, phần nào giảm áp lực cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các dịch vụ công. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 16 tổ chức hành nghề luật sư gồm 13 Văn phòng luật sư và 03 Công ty luật với 40 luật sư thành viên thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình.
Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, ngoài hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 03 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Trường Trung cấp luật Đồng Hới thuộc Bộ Tư pháp;                 
Trong lĩnh vực công chứng, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 08 tổ chức hành nghề công chứng hoạt động trong đó có 01 Phòng Công chứng và 07 Văn phòng Công chứng với 17 công chứng viên. Tất cả các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc chuyển đổi từ văn phòng công chứng do 01 công chứng viên thành lập thành văn phòng công chứng có 2 công chứng viên hợp danh trở lên. Người dân đã có sự thay đổi về cách nhìn và tin tưởng hơn đối với các tổ chức hành nghề công chứng tư nhân. Một kết quả đáng ghi nhận trong xã hội hóa hoạt động công chứng có thể kể đến là việc thành lập Hội công chứng viên của tỉnh vào tháng 10 năm 2019 vừa qua.
Về lĩnh vực đấu giá tài sản, ngoài Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp, đến nay trên địa bàn đã có 04 doanh nghiệp đăng ký hoạt động đấu giá tài sản. Các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh về cơ bản thực hiện tốt các quy định pháp luật về thành lập, tổ chức, hoạt động và rất năng động trong việc tìm kiếm nguồn tài sản để ký hợp đồng dịch vụ đấu giá…
Kết quả nổi bật nhất thông qua thực hiện xã hội hóa hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp là đã góp phần phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp; đồng thời, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách của địa phương. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của ngành Tư pháp; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp giữ vai trò quyết định, định hướng giúp cơ quan tư pháp hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định như: nhận thức của người dân và cả một số cán bộ về xã hội hóa còn chưa đồng đều; hệ thống các văn bản quy định pháp luật về xã hội hóa còn bất cập và thiếu đồng bộ;cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp còn thiếu...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp trong thời gian tới, cần có các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa như sau:
Một là, tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ lợi ích của việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp: Hiện nay, bên cạnh đa số người dân chấp nhận và sử dụng các dịch vụ công được xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, thể hiện thông qua số lượng người dân đến các Văn phòng công chứng thực hiện công chứng, đến các tổ chức hành nghề luật sư yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý… ngày càng tăng thì vẫn có một bộ phận người dân chưa hiểu đúng về các tổ chức hành nghề ngoài công lập. Một số người dân thiếu tin tưởng, thiếu thiện cảm, nghi ngờ về giá trị pháp lý của sản phẩm dịch vụ công được cung cấp từ các tổ chức này cũng như tính nghiêm túc của tổ chức, con người cung cấp dịch vụ, nghi ngờ về lợi ích nhận được từ việc sử dụng dịch vụ của các tổ chức này, chỉ tin tưởng vào hoạt động cung cấp dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Mặt khác, một bộ phận nhỏ trong các tổ chức trên cũng có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, tự làm suy giảm hình ảnh và uy tín nghề nghiệp, dẫn tới thái độ trên của người dân. Bởi vậy, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về hoạt động của các tổ chức hành nghề ngoài công lập trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhận thức rõ xu thế xã hội hóa là tất yếu và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, giúp người dân thực hiện nhu cầu về dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện, chuyên nghiệp và an toàn về pháp lý; mặt khác, giá trị sản phẩm được cung cấp bởi các tổ chức ngoài công lập bình đẳng với giá trị sản phẩm được cung cấp bởi các tổ chức công lập, nên người dân có thể yên tâm khi sử dụng dịch vụ.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức hành nghề, cho hoạt động xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp: Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, ngoài các văn bản Luật đã được ban hành làm cơ sở pháp lý cơ bản cho quá trình xã hội hóa, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm khảo sát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện và ban hành các văn bản phù hợp hướng dẫn thi hành cũng như có phương án chỉnh sửa Luật nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp. Cần nhận thức rõ rằng: xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp mang lại lợi ích cho cả hai phía: người dân và cơ quan nhà nước. Về phía người dân, đó là việc được đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ công một cách thuận tiện, chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với cơ chế thị trường và được hưởng lợi do sự cạnh tranh của các tổ chức hành nghề. Về phía cơ quan nhà nước, đó là sự giảm tải cho các cơ quan công lập cung cấp dịch vụ công, giảm tải cho việc chi ngân sách nhà nước và gia tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước, kết hợp được nhiều nguồn lực để phục vụ nhân dân. Bởi vậy, trong thời gian tới, cần có những văn bản mới, quy định pháp luật mới, vừa phát huy vai trò, kiện toàn tổ chức của các tổ chức hành nghề ngoài công lập, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, vừa hạn chế những hiện tượng không lành mạnh trong quá trình xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp: Đây là vấn đề rất quan trọng; một cá nhân, tổ chức khi tham gia thành lập tổ chức hành nghề ngoài công lập trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và đi vào hoạt động thường gặp nhiều khó khăn hơn các cơ quan, đơn vị nhà nước vì phải xây dựng từ đầu về cơ sở hạ tầng, nhân lực, đầu tư trang thiết bị, vốn và các điều kiện khác, hoàn toàn bằng nguồn lực riêng, không được bao cấp, và cũng chưa có uy tín, thương hiệu – tài sản vô hình sẵn có của cơ quan Nhà nước. Bởi vậy, cần có các biện pháp khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho họ thành lập tổ chức và hoạt động. Các biện pháp cần được quy định rõ và nhất quán, tạo thành cơ chế, chính sách lâu dài đối với cá nhân, tổ chức. Chẳng hạn, ưu đãi về thuế, hỗ trợ trong việc thuê cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, tư vấn cho cá nhân, tổ chức lựa chọn lĩnh vực tham gia xã hội hóa. Những biện pháp trên tạo nên động lực thúc đẩy cá nhân, tổ chức mạnh dạn tham gia, đầu tư vào việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp.
Bốn là, tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Song song với việc tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tạo điều kiện để phát triển các tổ chức thuộc các lĩnh vực bổ trợ tư pháp chưa được thành lập trên địa bàn tỉnh ta như thừa phát lại, quản tài viên, giám định tư pháp… Nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn luật sư, phát huy vai trò tự quản của Đoàn luật sư, xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động. Quan tâm đến chất lượng luật sư, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng và giáo dục, rèn luyện ý thức đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Xây dựng, củng cố đội ngũ công chứng viên, tăng cường kiểm tra, nắm bắt hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, xử lý sai phạm, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở các địa bàn cấp huyện trong tỉnh chưa thành lập được tổ chức hành nghề công chứng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và các tổ chức được thuận lợi. Nắm bắt những phản hồi của người dân để đánh giá đúng các mặt tích cực và hạn chế trong hoạt động công chứng tại các tổ chức ngoài công lập, từ đó có giải pháp quản lý phù hợp. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản… Đồng thời, phải tạo chuyển biến mạnh về đào tạo cán bộ tư pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng, đội ngũ các chức danh bổ trợ tư pháp ngày càng được chuẩn hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội và nhu cầu của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Bước sang năm 2020, là năm cuối thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ, tích cực thì công tác xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, phục vụ tốt các nhu cầu của người dân và hỗ trợ nhà nước trong thực hiện các dịch vụ pháp lý.      
Luật gia: Từ Minh Liên

More