Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 2646

  • Tổng 7.097.133

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi qua 10 thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Post date: 09/02/2022

Font size : A- A A+

 Luật Nuôi con nuôi được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Qua 10 năm thi hành Luật, việc giải quyết cho nhận nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài trên địa bàn tỉnh được thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, đã góp phần giúp cho nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt. Đồng thời, thông qua việc giải quyết nuôi con nuôi đã góp phần bảo đảm cho nhiều người, đặc biệt thực hiện vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, hiair quyết cho phụ nữ đơn thân hoặc các cặp vợ chồng hiếm muộn được có quyền làm cha, mẹ.

 Để thi hành Luật, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn trong công tác triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL tỉnh đã tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật cho các đối tượng là đội ngũ cán bộ cốt cán cấp tỉnh, cấp huyện, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, công chức thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện với hơn 150 lượt người tham dự; biên soạn, in ấn và phát hành 15.000 tờ gấp với nội dung “Tìm hiểu pháp luật về nuôi con nuôi” để cấp phát cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh; phát hành Bản tin Tư pháp, Chuyên mục Pháp luật và đời sống trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, chuyên mục PBGDPL trên Báo Quảng Bình, phối hợp với Tạp chí dân chủ tổ chức tọa đàm về công tác tư pháp cơ sở trong đó có chuyên đề về Luật Nuôi con nuôi. Ngoài các hình thức tuyên truyền truyền thống, Sở Tư pháp đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL như: Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật qua Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình; đưa vào vận hành Facebook: Phổ Biến Pháp Luật (Quảng Bình) và Fanpage: PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT - Quảng Bình; tham mưu cho Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức thành công Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2020”; tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật qua Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp” với gần 1.000 lượt người tham gia trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác nuôi con nuôi. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 319 hội nghị với 31.900 lượt người tham gia;biên soạn, in ấn và phát hành 3500 tài liệu cho công chức Tư pháp - hộ tịch, các tổ hòa giải cơ sở, các Câu lạc bộ pháp luật…; lồng ghép tổ chức 120 buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật”, Câu lạc bộ pháp luật, sinh hoạt văn hóa; tuyên truyền 928 lượt trên Đài Phát thanh - Truyền hình và Trang thông tin điện tử của các huyện, thành phố, thị xã, hệ thống truyền thanh cấp xã trong đó có nhiều nội dung liên quan đến Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó giúp nhân dân nắm vững hơn các quy định của pháp luật về Nuôi con nuôi, nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng của Luật Nuôi Con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành; mục đích, ý nghĩa của việc cho, nhận con nuôi, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong công tác nuôi con nuôi; nâng cao trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức trong việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho 113 trường hợp. Việc giải quyết cho nhận nuôi con nuôi trong nước đã thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật từ khâu lập hồ sơ, thông báo, ý kiến của những người có liên quan, niêm yết tại UBND cấp xã, lập hồ sơ đưa đưa vào cơ sở nuôi dưỡng, lập danh sách gửi Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để tìm gia đình thay thế cho trẻ. Sở Tư pháp, UBND cấp xã đã thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện thủ tục hành chính về nuôi con nuôi. Trong quá trình thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi, Sở Tư pháp, UBND cấp xã đã tuyên truyền, phổ biến quy định cha, mẹ nuôi phải có trách nhiệm 6 tháng một lần trong thời hạn 3 năm phải thông báo về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp cha, mẹ nuôi sau khi nhận con nuôi chưa thực hiện thông báo tình hình phát triển của con nuôi cho UBND cấp xã nơi họ thường trú theo quy định.

Đối với nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá và lập hồ sơ trẻ em theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh quyết định 47 trường hợp trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài. Việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đã được Sở Tư pháp, Cơ quan công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan làm tốt công tác phối hợp triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thành tốt công tác đăng ký và quản lý công tác nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh.Ngoài ra, Sở Tư pháp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết việc nuôi con nuôi, tham mưu giúp UBND tỉnh làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra giải quyết việc nuôi con nuôi tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Nuôi Con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành, kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật về nuôi con nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như việc lập hồ sơ, thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, theo dõi tình hình phát triển của con nuôi; chấm dứt việc nuôi con nuôi; thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi; việc điều chuyển lệ phí liên quan đến giải quyết đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Một số bất cập trong các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi như: Tại khoản 5 Điều 17 Luật Nuôi con nuôi quy định UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp văn bản xác nhận về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế đối với người nhận con nuôi. Tuy nhiên hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đảm bảo về tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi nên quá trình thực hiện còn khó khăn. Bên cạnh đó, pháp luật về hộ tịch, dân sự, nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về thay đổi quê quán, thay đổi, xác định lại dân tộc cho trẻ em bị bỏ rơi đã được đăng ký khai sinh hoặc trẻ em được nhận con nuôi từ quê quán, dân tộc được đăng ký ban đầu sang quê quán của cha hoặc của mẹ nuôi. Điều này đã gây khó khăn cho trẻ em trong việc thống nhất thông tin của bản thân với thông tin nhân thân của bố mẹ nuôi.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, thiết nghĩ trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi; bổ sung các quy định về việc hủy nuôi con nuôi, thu lệ phí đối với đăng ký lại việc nuôi con nuôi, xây dựng cơ sở dữ liệu về nuôi con nuôi phục vụ công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi và yêu cầu của việc thực hiện Công ước La Hay. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức pháp luật về nuôi con nuôi cho nhân dân trên địa bàn.
Hồng Luyến

More