Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 44

  • Hôm nay 2689

  • Tổng 7.343.734

Hướng dẫn triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ, trợ giúp pháp lý cho trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Post date: 07/03/2019

Font size : A- A A+

Đó là một trong những nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Tư pháp thực hiện tại Kế hoạch số 259/KH-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2019 về thực hiện Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Kế hoạch đã đặt ra chỉ tiêu hàng năm, tội phạm xâm hại trẻ em giảm từ 10 - 15%; số trẻ em bị xâm hại tình dục giảm từ 20 - 30%; số trẻ em bị bạo lực, bạo hành, bị mua bán giảm 40%, số vụ án do người chưa thành niên phạm tội giảm từ 15 - 20%; phấn đấu 100% trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, bạo hành được phát hiện, can thiệp trợ giúp..., hướng đến giảm cơ bản tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực, bạo hành, trẻ em bị mua bán; tỷ lệ phát hiện, điều tra, khám phá tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên phạm tội trên 95%; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết trẻ em, hiếp dâm trẻ em..., đạt 100%. Phấn đấu đến năm 2020 kiềm chế và kiên quyết không để hình thành, tồn tại những băng, nhóm tội phạm do người chưa thành niên cầm đầu hoặc tham gia. Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai được mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”, “Quản lý, giáo dục trẻ em hư, người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”..., trong đó: 20% xã, phường trọng điểm xây dựng được mô hình này; đảm bảo 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người, bạo lực gia đình chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được tiếp nhận, xử lý và những trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh, điều tra, xử lý theo luật định.
Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền các cấp; xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội tham gia công tác này. Quá trình thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tuân thủ các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các chủ trương chỉ đạo của Trung ương, địa phương về công tác phòng, chống tội phạm. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành địa phương như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch, Sở Tài chính UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia triển khai thực hiện Dự án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người đạt kết quả cao nhất.
                                                                                                            Nhật Tân

 

More