Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 133

  • Hôm nay 5918

  • Tổng 8.121.817

Đưa chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với người khuyết tật qua công tác trợ giúp pháp lý

Post date: 10/11/2017

Font size : A- A A+

Tính đến đầu năm 2016, toàn tỉnh có hơn 21.500 người khuyết tật (chiếm tỷ lệ 2,46% dân số toàn tỉnh); gần 90% người khuyết tật sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng... gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã vùng núi rẻo cao, các xã bãi ngang cồn bãi. Đa số người khuyết tật không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân; chỉ có khoảng 10% tự tạo được thu nhập. Người khuyết tật chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, trình độ học vấn nhìn chung còn thấp.

Nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội, ngày 05/8/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg của phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 và các quyết định  Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành hằng năm để triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật như: Quyết định số 3888/QĐ-BTP ngày 18/12/2012, Quyết định số 241/QĐ-BTP ngày 02/02/2015 và Quyết định số 960/QĐ-BTP ngày 25/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch năm 2016 triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tham mưu cho Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 20/02/2013, Kế hoạch số 470/KH-UBND ngày 21/4/2014, Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 02/02/2015 và Kế hoạch số 791/KH-UBND ngày 25/5/2016 triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình… Để triển khai có hiệu quả các hoạt động TGPL cho người khuyết tật theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, trong thời gian qua, Trung tâm TGPL nhà nước đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, các tổ chức của người khuyết tật và tổ chức vì người khuyết tật, với nhiều hình thức phong phú và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Từ năm 2013-2016, Trung tâm tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý lưu động và qua công tác truyền thông về các lĩnh vực pháp luật về chính sách cho người khuyết tật cho người dân trong đó có người khuyết tật, đã thu hút hàng nghìn người khuyết tật tham gia, đã trợ giúp pháp lý cho 288 đối tượng là người khuyết tật. Trong đó: 19 vụ việc tham gia tố tụng,  tư vấn, hướng dẫn giải đáp pháp luật 262 vụ việc và 07 vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức khác. Đa số vướng mắc của người khuyết tật chủ yếu  là các chế độ bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật, về trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật. Trong khi đó, việc tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Những người khuyết tật vốn đã gặp trở ngại trong việc đi lại, giao tiếp, chưa kể những trường hợp bị các dạng tật phức tạp (câm, điếc, mù) thì việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý lại là cả một vấn đề, nên công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức phù hợp cần hướng tới đối tượng người khuyết tật và đông đảo các tầng lớp nhân dân, để người khuyết tật biết được quyền của mình, còn những người bình thường có nhận thức, thái độ đúng đắn, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những người kém may mắn hòa nhập cộng đồng.
 Để tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận và thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, trung tâm đã đặt 264 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan, tổ chức có người khuyết tật; biên soạn và cấp phát niễm phí khoảng 114.900 tờ rơi,  tờ gấp pháp luật về chế độ chính sách cho người khuyết tật. Thực hiện truyền thông qua các phương tiện thông tin: Thực hiện chuyên mục “Trợ giúp pháp lý với bạn” trên Bản tin Tư pháp Quảng Bình (định kỳ 02 tháng/số); viết tin, bài về hoạt động TGPL trên Trang thông tin điện tử của Cục TGPL và Sở Tư pháp Quảng Bình; phối hợp thực hiện chuyên mục “Với khán giả xem truyền hình” phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình phát 01 lần/tháng. Tuyên truyền trên Đài truyền thanh của các huyện, thị xã để truyền thông về TGPL.
 Đồng thời, Trung tâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công 12 lớp tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với 871 người tham gia. Trên thực tế cho thấy, việc tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất hạn chế vì thiếu nguồn lực. Vì vậy, đòi hỏi đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật theo hướng giải quyết thỏa đáng giữa việc quản lý Nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức xã hội tham gia trợ giúp pháp lý. Theo đó, mở rộng mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại cơ sở, huy động sự tham gia đóng góp của các cấp, các ngành cho hoạt động nhân đạo này... Để tiếp tục triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý  cho người khuyết tật năm 2017 trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 03/3/2017  chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho Người khuyết tật thông qua việc xây dựng chương trình, bồi dưỡng về kiến thức, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng kỹ năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, bào chữa cho người khuyết tật; tập trung đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều nội dung; in ấn và phát hành miễn phí sách pháp luật bỏ túi, biên soạn, ấn phẩm chuyên dụng khác về quyền được trợ giúp pháp lý, quyền, nghĩa vụ khác của Người khuyết tật; kiểm tra, rà soát hoạt động sử dụng bảng tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý tại một số tổ chức của người khuyết tật; đồng thời lồng ghép truyền thông, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các chương trình, đề án khác về người khuyết tật trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề...Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thường xuyên, đồng bộ, thiết thực, tiết kiệm, cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù của người khuyết tật, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh và nhu cầu trợ giúp pháp lý của Người khuyết tật. Tăng cường năng lực, tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng cho người khuyết tật; đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông để đông đảo người khuyết tật biết quyền được trợ giúp pháp lý, bảo đảm 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Có thể nói, trong thời gian vừa qua Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người khuyết tật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hoạt động tư vấn pháp lý cho người khuyết tật mới chỉ đáp ứng phần nhỏ so với tổng số người khuyết tật trên địa bàn. Nguyên nhân khiến nhiều người khuyết tật chưa tiếp cận được hoạt động này là do những rào cản về dạng tật, ngôn ngữ giao tiếp, mặc cảm, một phần là do nguồn lực dành cho trợ giúp pháp lý có tăng nhưng quỹ thời gian hạn hẹp, phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức của người khuyết tật, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật trong việc tìm hiểu nhu cầu và trợ giúp pháp lý cho họ khi cần thiết; do ngân sách địa phương hạn hẹp, chưa bố trí kinh phí riêng nên hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật chưa mang tính chuyên sâu. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên và nâng cao hiệu quả công tác này, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật, trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng được mô hình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có hiệu quả. Cùng với đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật cũng hết sức quan trọng. Tăng cường truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với hình thức phù hợp. Ngoài ra, cần thường xuyên tiến hành các hoạt động tập huấn cho đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý, để họ có điều kiện tiếp cận với người khuyết tật và có thể là người được tìm đến đầu tiên khi người khuyết tật có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Nhìn chung, trong những năm qua hoạt động TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu được TGPL của người khuyết tật, tiếp tục đưa hoạt động TGPL cho người khuyết tật đi vào chiều sâu, giúp người khuyết tật nâng cao hiểu biết về pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tiếp tục khẳng định mục tiêu của chính sách hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ TGPL đã được Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước triển khai có chất lượng, hiệu quả.                   
Lê Thanh Hà
Trung tâm TGPL nhà nước

More