Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 26

  • Hôm nay 1617

  • Tổng 7.342.662

Một số quy định mới liên quan đến công tác thanh tra

Post date: 01/12/2021

Font size : A- A A+
 Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản mới liên quan công tác thanh tra. Để thuận tiện cho việc tham khảo và áp dụng, tác giả hệ thống một số quy định trong các văn bản mới mà Thanh tra Chính phủ ban hành trong năm 2021 như sau:

 1. Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân
Ngày 11/3/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân. Thông tư có 14 điều. Thông tư này quy định quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra và trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân.
Thông tư này quy định quy tắc ứng xử chung bao gồm: tinh thần và thái độ làm việc; trang phục, tác phong làm việc; giao tiếp qua điện thoại, thư điện tử và trên mạng xã hội; ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; ứng xử giữa công chức, viên chức với cấp trên và với đồng nghiệp; ứng xử với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và cơ quan thông tin, báo chí; ứng xử với tổ chức, cá nhân nước ngoài
Ngoài ra, Thông tư đã quy định nội dung ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra; ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo; ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2021. Quyết định số 1860/QĐ-TTCP ngày 09/6/2007 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, ngoài việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Thông tư này còn phải thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, các quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
Ngày 22/3/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-TTCP quy định về chế độ báo cáo, nội dung báo cáo, hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo, trách nhiệm báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đối tượng áp dụng: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Nguyên tắc báo cáo: đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời; đúng quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và hướng dẫn tại Thông tư này. Thông tư đã quy định báo cáo định kỳ là báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được thực hiện hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm; báo cáo chuyên đề là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề thuộc lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định; báo cáo đột xuất là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc của Thanh tra Chính phủ.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 10 tháng 5 năm 2021. Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
3. Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương
Ngày 30 tháng 9 năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-TTCP quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương. Thông tư này áp dụng đối với: Thanh tra Chính phủ và các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ; Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện; Thanh tra sở; Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện. Danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ gồm: Vị trí làm công tác thanh tra; Vị trí làm công tác tiếp công dân; Vị trí làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Vị trí làm công tác phòng, chống tham nhũng; Vị trí làm công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; Vị trí làm công tác khác được quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương: Vị trí làm công tác thanh tra; Vị trí làm công tác tiếp công dân; Vị trí làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; Vị trí làm công tác phòng, chống tham nhũng; Vị trí làm công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Thông tư này là từ đủ 03 năm đến 05 năm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2021. Thông tư số 10/2014/TT-TTCP ngày 24/11/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết danh mục vị trí công tác thanh tra của công chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước phải định kỳ chuyển đổi hết hiệu lực.
4. Quy trình tiếp công dân
Ngày 01 tháng 10 năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân. Theo đó, Thông tư này quy định quy trình tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 4 của Luật Tiếp công dân và các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Đối tượng áp dụng: Cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người tiếp công dân; người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến trình bày trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân.
Thông tư này đã quy định người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp: Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân. Khi từ chối phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân. Trường hợp từ chối tiếp công dân đối với người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021. Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật.
5. Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh
Ngày 01 tháng 10 năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 05/2021/TT-TTCP quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Thông tư có 32 điều. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc xử lý đơn và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc xử lý đơn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật; nhanh chóng, kịp thời; rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đơn phải được gửi, chuyển đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Đơn được tiếp nhận để phân loại và xử lý từ các nguồn sau đây: đơn được gửi qua dịch vụ bưu chính; đơn được gửi đến Trụ sở tiếp công dân, Ban tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân, bộ phận tiếp nhận đơn hoặc qua hộp thư góp ý của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đơn do Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định của pháp luật; đơn do lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan Đảng chuyển đến.
Có nhiều tiêu chí để phân loại đơn như: căn cứ vào nội dung trình bày trong đơn, mục đích, yêu cầu của người viết đơn, không phụ thuộc vào tiêu đề của đơn, đơn được phân loại như sau: đơn khiếu nại; đơn tố cáo; đơn kiến nghị, phản ánh; đơn có nhiều nội dung khác nhau. Căn cứ theo điều kiện xử lý, bao gồm đơn đủ điều kiện xử lý, đơn không đủ điều kiện xử lý. Căn cứ theo thẩm quyền có đơn thuộc thẩm quyền và đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mình…
Thông tư này cũng đã quy định về xử lý đơn khiếu nại, xử lý đơn tố cáo, xử lý đơn phản ánh, kiến nghị, xử lý các loại đơn khác. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021. Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, đơn phản ánh hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật.
6. Quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra
Ngày 01/10/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Thông tư gồm có 52 điều. Thông tư quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra, ban hành và công khai Kết luận thanh tra. Thông tư này áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người được giao nắm tình hình, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư này quy định trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan thanh tra và các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của mình trong công tác thanh tra; giải quyết khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo Đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc của hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của Đoàn thanh tra; các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo Quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của Người ra quyết định thanh tra; chịu trách nhiệm trước Người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm đề xuất người tham gia Đoàn thanh tra; giám sát các thành viên Đoàn thanh tra thuộc cơ quan, đơn vị mình; thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Người ra quyết định thanh tra giao. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm báo cáo, giải trình, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra theo quy định của pháp luật; thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của người có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2021. Các văn bản sau hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật: Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15/12/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra; Quyết định số 2316/QĐ-TTCP ngày 10/10/2013 của Thanh tra Chính phủ ban hành Quy trình thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra.
7. Quy định mới về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
Ngày 01/10/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 07/2021/TT-TTCP quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Thông tư bao gồm 16 điều. Thông tư này quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; giải quyết khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị của cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra; kết luận thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.
Thông tư này cũng đã quy định trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm báo cáo, giải trình, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của người có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền tiến hành thanh tra.
Ngoài ra, Thông tư quy định thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở, Thanh tra huyện và thẩm quyền xem xét, xác minh đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Thông tư cũng đã quy định nội dung thanh tra trách nhiệm bao gồm: Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra; nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân; nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại; nội dung thanh tra trách nhiệm về tố cáo, Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021. Các văn bản sau hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật: Thông tư số 02/2012/TT-TTCP ngày 13/7/2012 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Thông tư số 04/2013/TT-TTCP ngày 29/7/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại; Thông tư số 05/2013/TT-TTCP ngày 29/7/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tố cáo; Thông tư số 08/2014/TT-TTCP ngày 24/11/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra.

Tuyết Hà
Chánh Thanh tra Sở Tư pháp

More