Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 48

  • Hôm nay 1642

  • Tổng 8.106.940

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác Tư pháp

Post date: 28/07/2017

Font size : A- A A+
 

Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối vững mạnh, trong sạch, chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trở thành con người vừa hồng vừa chuyên. Suốt cả cuộc đời Người hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập dân tộc, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân và cho toàn thể nhân loại.  Đối với từng lĩnh vực công tác, mỗi đối tượng khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những tư tưởng tình cảm, lời dạy, nhắc nhở ân cần, cụ thể.

Khi phải bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tính thiết yếu của pháp luật và pháp quyền đối với việc bảo đảm quyền độc lập, tự do cho dân tộc, quyền dân chủ và các quyền cơ bản của con người. Người khẳng định: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Cốt lõi giá trị trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quan điểm vì con người và giải phóng con người, vì đất nước, vì dân tộc. Đó là chủ nghĩa nhân đạo cao cả, chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản. Đây cũng là bản chất của nền tư pháp, được khởi nguồn từ những ngày đầu thành lập theo tư tưởng của Bác. 
Ngay từ đầu, trong những năm đầu của Chính quyền nhân dân, dân chủ cộng hòa, trong điều kiện khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang lan rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu Nhà nước, đang chỉ đạo, lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc; nhưng vẫn dành cho công tác tư pháp, hoạt động tư pháp sự quan tâm sâu sắc. Đối với Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948, Bác viết thư chỉ rõ: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của Chính phủ…. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”. Chỉ 10 ngày sau khi giành được chính quyền (ngày 19/8/1945), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, ngày 28 tháng 8 năm 1945, Bộ Tư pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được thành lập, đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của ngành tư pháp.
Tại Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp 1950, Người xác định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền góp phần thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Bác căn dặn cán bộ Tư pháp “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …”. Người nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của pháp luật: “… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động…Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động....” Người hết sức quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để mọi người dân và cán bộ tôn trọng, thực hiện. Trong suốt thời gian giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và năm 1959; đã ký lệnh công bố 16 luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là Người tập trung chỉ đạo đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế, tạo cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành.
Hồ Chủ tịch coi việc xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ, có được ánh sáng của Đảng dìu dắt.
Biết công tác tư pháp quan hệ nhiều với nhiệm vụ phòng chống tội phạm, xét xử những kẻ phạm pháp, làm trái pháp luật, Bác chia sẻ điều trăn trở: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Bác nhắc nhở: “Trong công tác xét xử, phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là các chú phải luôn luôn cố gắng học tập…”. Với những quan điểm đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta. Sau hòa bình lập lại, ngày 22/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 10. Bác nói: Cần thực hiện đúng đắn nền pháp chế XHCN của nước ta, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, quyền lợi của nhân dân; đồng thời phải ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân, phá hoại công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc...Hồ Chủ tịch căn dặn: Các cơ quan tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với các cơ quan chính quyền để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.
Một trong những nhiệm vụ của hệ thống chính trị, với vai trò nòng cốt chuyên trách của cơ quan tư pháp hiện nay đó là nhiệm vụ PBGDPL. Định nghĩa về tuyên truyền, Người cho rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Trong tuyên truyền cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp như: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp tuyên truyền, giáo dục nói chung và giáo dục pháp luật nói riêng có hiệu quả thiết thực nhất, đó là đề cao yếu tố nêu gương, giáo dục bằng việc làm và hướng dẫn cụ thể. Theo Người, chính việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng…để giáo dục là phương pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, có sức thuyết phục và có hiệu quả nhất, không chỉ coi trọng tuyên truyền những tấm gương điển hình, Người còn yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền cũng phải là một tấm gương sáng. Người lí giải rằng: "Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Đây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói và viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể, "nói đi đôi với làm". Trong công tác tuyên truyền việc nắm vững đối tượng được tuyên truyền là rất quan trọng, bởi vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên khác nhau. Nói về cán bộ tuyên truyền, Bác cho rằng, không chỉ riêng cán bộ làm công tác tuyên truyền mà bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước. Theo Bác, muốn đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ phải tìm hiểu để có kiến thức, hiểu phong tục, tập quán của địa phương, nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và căn dặn rất tỉ mỉ: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm,...”
Hiện nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật; vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội'', Chỉ thị số 32 năm 2003 của Ban Bí thư TW Đảng cũng đã khẳng định và đã được Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định cụ thể về công tác này. Với việc “ Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thời gian tới, công tác tuyên truyền PBGDPL cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn, phải tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với vai trò chuyên trách nòng cốt là cơ quan Tư pháp. Ngành Tư pháp và cán bộ tuyên truyền cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, làm cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, góp phần hình thành ý thức, tri thức, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và mọi người dân trên địa bàn.
Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay,  Đảng ta đang tập trung đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, phù hợp kinh tế và chính trị, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc. Góp phần quan trọng xây dựng, tăng cường tính dân chủ, tính nhân dân của nền tư pháp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Minh

    

More