Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 3936

  • Tổng 7.086.249

Kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý

Post date: 02/12/2019

Font size : A- A A+
Tỉnh Quảng Bình có 08 huyện, thị xã, thành phố với 159 xã, phường, thị trấn; dân số vào khoảng 882.505 người[1], trong đó có 24.499 người dân tộc thiểu số[2]; 76.503 người nghèo và hơn 45.000 người khuyết tật (19.881 người khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ xã hội) là đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Các dạng tật có số lượng cao nhất là khuyết tật về hệ vận động (8.080 người) và khuyết tật liên quan đến hệ thần kinh (3.957 người). Chia theo mức độ khuyết tật thì có 3.613 người khuyết tật đặc biệt nặng, 14.791 người khuyết tật nặng và 1.477 người khuyết tật nhẹ[3]. Trong những năm qua, số lượng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và các rủi ro như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…


[1] Số liệu dân số 2018 - Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình.
[2] Số liệu tính đến tháng 02 năm 2018 do Ban Dân tộc tỉnh cung cấp.
[3] Số liệu tính đến tháng 01 năm 2018 do Sở Lao động thương binh và xã hội cung cấp.

Hai dạng khuyết tật chiếm tỷ lệ cao nhất ở tỉnh ta là khuyết tật về hệ vận động và khuyết tật liên quan đến hệ thần kinh, trí tuệ, trong đó khuyết tật hệ vận động chiếm 36% và khuyết tật hệ thần kinh, trí tuệ chiếm gần 30% tổng số người khuyết tật, còn lại là các dạng tật khác[1].
Số lượng người khuyết tật chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh, trong đó gần 90% sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng… còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi rẻo cao, các xã bãi ngang cồn bãi. Do vậy họ gặp không ít khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trình độ học vấn của người khuyết tật tỉnh ta nhìn chung còn thấp, phần lớn học xong bậc tiểu học. Đa số người khuyết tật Quảng Bình không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân, chỉ có khoảng 10% tự tạo được thu nhập. Người khuyết tật chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quy định của Chính phủ[2].
Người khuyết tật nói chung đều có nguyện vọng, mong muốn được bảo vệ, chăm sóc, được khám chữa bệnh, được phẫu thuật chỉnh hình, được trang cấp hoặc được hỗ trợ các dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc… phục vụ đi lại, sinh hoạt hằng ngày; mong muốn được đối xử bình đẳng, được hòa nhập thực sự vào cộng đồng, được góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Thực tế hiện nay đã có rất nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập do nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn huy động còn hạn chế nên người khuyết tật, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa chưa được quan tâm đúng mức.
Với mục tiêu chung là hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội, ngày 05/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020  (Đề án) và ngày 30/12/2013, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3271/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 – 2020 (Kế hoạch). Theo đó, Đề án và Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật đã đặt ra mục tiêu cụ thể là trong giai đoạn 2012 - 2015, có 90% người khuyết tật được TGPL khi có nhu cầu; giai đoạn 2016 - 2020, 100% người khuyết tật được TGPL khi có nhu cầu.
Để triển khai có hiệu quả các hoạt động TGPL cho người khuyết tật, đảm bảo đạt mục tiêu mà Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch Trợ giúp người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014-2020 của UBND đã đặt ra, căn cứ quy định của Luật TGPL, Luật Người khuyết tật, các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến hoạt động TGPL cho người khuyết tật và Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật hằng năm của Bộ Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước đã tham mưu Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình[3] và tổ chức thực hiện các Kế hoạch đó.
Căn cứ Đề án trợ giúp người khuyết tật và các Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật, Trung tâm TGPL nhà nước đã chủ động, tập trung các nguồn lực hiện có của Trung tâm, đồng thời tăng cường, thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, các tổ chức của người khuyết tật và tổ chức vì người khuyết tật (Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh, Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi các huyện, thị xã, thành phố, các Câu lạc bộ người khuyết tật cấp xã...) và các cơ quan liên quan để tổ triển khai các hoạt động TGPL cho người khuyết tật.
Từ năm 2012 đến tháng 7/2019, Trung tâm TGPL nhà nước đã thụ lý thực hiện và thực hiện hoàn thành 8.473 vụ việc TGPL cho 8.473 người thuộc diện được TGPL, trong đó có 330 vụ việc TGPL cho 330 người khuyết tật không có nơi nương tựa và người khuyết tật có khó khăn về tài chính[4]. Phần lớn các vụ việc TGPL cho người khuyết tật được thực hiện thông qua hình thức tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật, số ít vụ việc còn lại được thực hiện thông qua hình thức cử người tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật trong các vụ án hình sự, dân sự. Đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; UBND cấp xã, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ và các tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật các cấp… tổ chức TGPL lưu động tại 716 điểm thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh để tuyên truyền pháp luật và thực hiện TGPL cho người dân trong đó có đối tượng là người khuyết tật. Triển khai các hoạt động truyền thông pháp luật về TGPL cho người dân, bao gồm cả người khuyết tật thông qua việc tổ chức Hội nghị truyền thông tại 173 điểm (157 điểm là thôn, bản, xã nghèo, đặc biệt khó khăn và 16 điểm không thuộc xã nghèo) cho hơn 8.091 lượt người tham gia; lắp đặt Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL tại 100% trụ sở các tổ chức Hội Người khuyết tật và cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn 08 huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với Đài phát thanh & Truyền hình Quảng Bình, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiều nội dung về các hoạt động TGPL và TGPL cho người khuyết tật trên chuyên mục “Đời sống và pháp luật”; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện giải đáp vướng mắc pháp luật của người dân và người khuyết tật trong chuyên mục “Hỏi – đáp pháp luật” định kỳ 02 lần/tháng và chuyên mục “Giải đáp pháp luật” trên Bản tin Tư pháp, Website Sở Tư pháp mỗi tháng 01 lần; In băng đĩa CD với nội dung truyền thông về pháp luật TGPL cấp phát cho 159/159 xã, phường, thị trấn để truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã; biên soạn, in ấn và phát hành hơn 110.000 quyển tài liệu pháp luật bỏ túi liên quan đến các nội dung pháp luật về TGPL và pháp luật về TGPL đối với người khuyết tật... để cấp phát cho các đối tượng thuộc diện TGPL trong đó có người khuyết tật thông qua các Hộp tin TGPL và cấp phát thông qua hoạt động TGPL ở cơ sở nhằm giúp cho người dân và người khuyết tật hiểu rõ hơn về pháp luật TGPL, về quyền được TGPL miễn phí của người khuyết tật, về hệ thống tổ chức thực hiện, người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh để người dân và người khuyết tật dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ TGPL khi có nhu cầu.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện TGPL nhằm nâng cao năng lực thực hiện TGPL cho người khuyết tật luôn được quan tâm thực hiện. Theo đó, Trung tâm TGPL nhà nước đã tổ chức 18 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện TGPL với hơn 1.532 người lượt người tham gia gồm các Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên TGPL, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm, những người tiến hành tố tụng, đội ngũ các chức danh bổ trợ tư pháp (công chứng viên, luật sư, đấu giá viên)... qua đó nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động TGPL nói chung và TGPL cho người khuyết tật nói riêng, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Nhìn chung, hoạt động TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu được TGPL của người khuyết tật, tiếp tục đưa hoạt động TGPL cho người khuyết tật đi vào chiều sâu, giúp người khuyết tật nâng cao hiểu biết về pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tiếp tục khẳng định mục tiêu của chính sách hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ TGPL đã được Trung tâm TGPL nhà nước triển khai có chất lượng, hiệu quả. Quá trình triển khai thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật của Thủ tương Chính phủ và Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật tỉnh Quảng Bình, ngay từ giai đoạn đầu, mặc dù các nguồn lực triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế, tuy nhiên Trung tâm TGPL nhà nước luôn bảo đảm đạt mục tiêu 100% người khuyết tật được TGPL khi có nhu cầu.
Việc triển khai thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2020 theo Quyết định số 3271/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã giúp người được TGPL là người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ TGPL miễn phí khi có nhu cầu. Đã tác động mạnh mẽ đến đời sống pháp luật và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo công lý, công bằng xã hội, phòng ngừa và hạn chế tranh chấp, vi phạm pháp luật, đồng thời tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đã tạo cơ sở để các cấp chính quyền, cán bộ, nhân dân và toàn xã hội nhận thức đúng vai trò, vị trí và ý nghĩa của chính sách TGPL nói chung và TGPL cho người khuyết tật nói riêng. Đồng thời, là tiền đề để hoạt động này nhận được nhiều hơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền; huy động được mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia hoạt động TGPL cho người khuyết tật, qua đó hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Qua đó, thực hiện thắng lợi những mục tiêu về giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020./.

Nguyễn Bá Thành



[1], 5 Nguồn: Quyết định số 3271/QĐ-UBND tỉnh ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch Trợ giúp người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014-2020.
 
[3] Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 20/02/2013; Kế hoạch số 470/KH-UBND ngày 21/4/2014; Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 10/3/2015; Kế hoạch số 791/KH-UBND ngày 25/5/2016; Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 03/3/2017; Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 22/02/2018 và Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 25/01/2019 của UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
[4] Ngoài 330 người được TGPL đã thống kê theo diện người khuyết tật, có nhiều trường hợp người khuyết tật đồng thời là người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, trẻ em… được thống kê theo diện người được TGPL tương ứng mà không thống kê theo diện người khuyết tật.

More