Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 4038

  • Tổng 7.102.385

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn thi hành ở Quảng Bình

Post date: 06/09/2016

Font size : A- A A+
Hòa giải ở cơ sở là nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, là hoạt động mang tính tự nguyện, tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Hoạt động hòa giải ở cơ sở về bản chất là hướng dẫn, giúp đỡ thông qua việc thuyết phục, vận động các bên đi đến thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Vì vậy hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Đặc trưng cơ bản của Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra theo từng tổ bản, cụm dân cư. Tổ hoà giải thực hiện “hướng dẫn, thuyết phục, dàn xếp, giúp đỡ”, “dùng tình cảm để giải quyết mâu thuẫn” chứ không phải bằng phán xét, bằng quyết định, bằng quyền lực của các cơ quan nhà nước, không do cơ quan nhà nước thực hiện nên các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư khi hòa giải thành được các bên tự nguyện chấp hành, có giá trị thi hành cao. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác hoà giải, đã có những biện pháp phù hợp nhằm duy trì, củng cố và phát triển công tác hoà giải, tạo cơ sở pháp lý cho công tác này không ngừng phát triển và phát huy tác dụng tích cực đối với đời sống thông qua việc quy định trong nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Hôn nhân gia đình... chính sách khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác.
 
Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn thi hành ở Quảng Bình
 
Về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đối với công tác hòa giải ở cơ sở, ngày 25/12/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và triển khai hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, vai trò của công tác hòa là rất lớn và cần phải được điều chỉnh bởi một đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Vì vậy, ngày 20/6/2013, Quốc hội đã ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở thay thế cho Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998. Để triển khai thi hành Luật, ngày 27/02/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số biện pháp triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; ngày 18/11/2014, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Để nâng cao kiến thức pháp luật và hiệu quả hoạt động cho các hòa giải viên, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 về Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên và Quyết định số 4080/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở.
Tại Quảng Bình, để triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, ngày 29/11/2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1376/KH-UBND về triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, để có chế độ động viên những người làm công tác hòa giải ở cơ sở, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/2012/NQ-HĐND ngày 12/7/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND ngày 06/9/2012 quy định về nội dung chi, mức chi và kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, các văn bản này đã được thay thế bởi Nghị quyết số 106/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 và Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 25/9/2015 về quy định nội dung chi, mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp; công tác hòa giải ở cơ sở; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết để triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và đảm bảo cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.   
Qua 15 năm thực hiện Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, 2 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan, việc triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên đại bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả nhất định; hòa giải ở cơ sở không ngừng được củng cố về tổ chức, đội ngũ, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hiện nay toàn tỉnh có 1.470 tổ hoà giải với trên 9.072 tổ viên; trong giai đoạn 2010-2014, tổng số vụ việc nhận hòa giải là 14.132 vụ việc trong đó, hòa giải thành là 12.170 vụ, đạt tỷ lệ 86%. Kết quả thực hiện công tác hòa giải đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc triển khai thi hành hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: Một số nơi việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Tổ hòa giải tiến hành còn chậm; hoạt động hoà giải chưa đồng đều, một số nơi còn mang tính hình thức; năng lực hòa giải viên một số nơi nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải thành ở một số địa phương; một số vụ việc quá trình hoà giải chưa giải quyết triệt để mâu thuẫn dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài và phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng hoặc thủ tục hành chính; sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp các cấp và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp trong xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức các Tổ hòa giải ở cơ sở, trong theo dõi hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng như gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với việc xây dựng và thực hiện các phong trào quần chúng ở địa phương chưa thường xuyên; kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải còn hạn chế nên việc chi cho các hoạt động hòa giải của các địa phương theo mức chi của tỉnh hầu như chưa thực hiện được.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu là do việc huy động nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc; việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; chính sách hỗ trợ về kinh phí cho hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên còn hạn chế; việc thực hiện chức năng của cơ quan Tư pháp nói chung và Tư pháp địa phương nói riêng chưa được xác định đầy đủ; trách nhiệm của UBND các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước cũng như  trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành liên quan trong hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa được xác định rõ ràng.
Để đánh giá chuẩn xác và nhìn nhận tổng quan hơn đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Sở Tư pháp đã lựa chọn và được Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh năm 2015 với Nhiệm vụ: “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn thi hành ở Quảng Bình”. Trong phạm vi của nhiệm vụ, Nhóm nghiên cứu đã thực hiện lấy phiếu khảo sát đối với cán bộ, Nhân dân các thôn, bản, tiểu khu và các hòa giải viên tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình về hoạt động hòa giải cơ sở với 800 phiếu/02 loại mẫu phiếu khác nhau. Trên cơ sở phiếu khảo sát, Nhóm nghiên cứu đã phân tích, xử lý số liệu khảo sát. Đối tượng lấy phiếu là các hòa giải viên cơ sở thuộc các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh với thành phần chủ yếu là Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Tiểu khu trưởng, Chủ tịch Mặt trận, Bí thư chi đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Công an viên thôn và cán bộ, Nhân dân ở thôn, bản, tiểu khu, trong đó chủ yếu là cán bộ, nông dân và hưu trí. Trong khuôn khổ của Nhiệm vụ, Nhóm nghiên cứu cũng đã hợp đồng viết các chuyên đề liên quan đến công tác hòa giải nói chung và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh nói riêng. Đồng thời, đã tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn thi hành ở Quảng Bình”. Đây là những cơ sở quan trọng để đánh giá một cách hoàn thiện hơn về hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đưa ra những giải pháp sát thực, phù hợp hơn với hoạt động hòa giải của tỉnh, góp phần hoàn thiện đề tài và kiến nghị với Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh và các ngành có liên quan về việc hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL điều chỉnh việc xây dựng và thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; công tác quản lý nhà nước; các chế độ, chính sách về xây dựng và thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Qua đó, giúp thực hiện tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung.
          Trên cơ sở kết quả điều tra, kết quả hội thảo, Nhiệm vụ đã đưa ra 08 giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn thi hành ở Quảng Bình, đó là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và vai trò của Mặt trận TQVN và các tổ chức thành viên các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Là một tổ chức quần chúng trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, Tổ hoà giải không thể đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng, không thể thiếu vai trò quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã hội trong hoạt động hoà giải. Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên phối hợp chặt chẽ và phối hợp thực hiện tốt những quy định của pháp luật về hòa giải nhằm tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Nhân dân với Nhân dân, giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước để không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là trong việc phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cùng cấp của Mặt trận để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khả thi. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật hòa giải ở cơ sở để hoạt động hòa giải ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Thứ năm, tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để được công nhận là hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kỹ năng hòa giải thông qua các hoạt động như thi hòa giải viên giỏi, học hỏi kinh nghiệm.
Thứ sáu, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước và hòa giải viên. Tạo điều kiện cho các hòa giải viên trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, UBND các cấp quan tâm bảo đảm kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở; giải quyết kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ cho hoà giải viên và kinh phí cho hoạt động hoà giải để động viên những người làm công tác hòa giải, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ bảy, kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;  phong trào xây dựng nông thôn và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở. Thực hiện tốt giải pháp này là cơ sở quan trọng để góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế các vụ việc tiêu cực và các xích mích trong cộng đồng dân cư.
Thứ tám, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo; công tác thanh tra, kiểm tra; sơ kết, tổng kết và khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở.Qua đó giúp ngành Tư pháp chủ động nắm bắt được thông tin về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở một cách sát thực để đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động sát thực, biết được cách làm hay, những nơi hoạt động có hiệu quả để nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở để kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Có thể nói rằng, việc nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc và khoa học về những mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, nâng cao vai trò của hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội là hết sức cần thiết và là một nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất trong công tác quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tại Quảng Bình, thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về hòa giải ở cơ sở để tạo cơ sở cho nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền và việc tổ chức xây dựng, thực hiện hòa giải ở cơ sở được thực hiện tốt. Tin chắc rằng, với nhiệm vụ khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn thi hành ở Quảng Bình”, sau khi hoàn thiện sẽ góp phần đề xuất các giải pháp về công tác hòa giải để kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và đối tượng thực hiện vận dụng vào quá trình triển khai các nhiệm vụ về quản lý nhà nước và tổ chức triển khai công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp nhằm phát huy tình đoàn kết, tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của từng cá nhân và của cả cộng đồng, qua đó nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở từ thực tiễn thi hành tại Quảng Bình.
Nguyễn Thị Lài