Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 1541

  • Tổng 6.827.500

Sở Tư pháp Quảng Bình phát hành Tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở

14:37, Thứ Hai, 5-6-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 30/5/2023, Sở Tư pháp Quảng Bình đã phát hành Tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở tháng 6/2023. 

Theo đó, Tài liệu tuyên truyền về hướng dẫn phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em; một số quy định của Luật Trẻ em năm 2016; một số quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; một số nội dung của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Trong đó, Tài liệu đã chỉ ra cách sơ cứu khi bị ngạt nước bao gồm 03 bước:
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc chèo thuyền vớt nạn nhân lên. Tuyệt đối không nên nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi.
Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
- Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cổ, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
- Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi bệnh viện.
- Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn (khó thở thứ phát) vài giờ sau ngạt nước.
Đồng thời, Tài liệu đã chỉ ra những việc làm không đúng cần tránh như: thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy; không cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế… 
Bên cạnh đó, Tài liệu đã đưa ra những lưu ý để phòng tránh tai nạn đuối nước như:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Khi bơi phải có phao bơi an toàn.
- Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
Để tài liệu phát huy tối đa hiệu quả, Sở Tư pháp đã đề nghị UBND và Hội đồng phối hợp PBGDPL các địa phương chỉ đạo Phòng Tư pháp khai thác bản ghi âm gửi Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để phát trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở và khai thác bản giấy để tuyên truyền theo các hình thức phù hợp khác.
Tài liệu được phát hành dưới hình thức văn bản, bản ghi âm và gửi qua hộp thư điện tử của Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.

Trần Công Trung
 

Các tin khác