Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 2347

  • Tổng 38.390

Giới thiệu 05 Luật mới được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3

8:14, Thứ Tư, 10-8-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thông qua 05 luật mới bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh; Luật Thi đua khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể như sau:

1. Luật Cảnh sát cơ động.
Ngày 14/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động 2022 số 04/2022/QH15. Đây là lần đầu tiên có Luật Cảnh sát cơ động.
Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, Luật này quy định tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động là: Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện thì được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động; ưu tiên tuyển chọn công dân có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát cơ động. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết tiêu chuẩn này.
Luật cũng quy định cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân;
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi phục vụ tại ngũ được hưởng các chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất nhiệm vụ và địa bàn hoạt động; Sĩ quan Cảnh sát cơ động được bố trí nhà ở công vụ.
Luật Cảnh sát cơ động 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 và thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/PL-UBTVQH13.
2. Luật Điện ảnh
Ngày 15/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15.
Luật này quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh; đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh.
Luật gồm 8 chương, 50 điều, có một số điểm mới cơ bản: về khái niệm (Điều 3); về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5); về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 9); về sản xuất phim (Chương II); về phát hành phim (Chương III); về phổ biến phim (Chương IV); về lưu chiểu, lưu trữ phim (Chương V); về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam (Điều 38); về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Đáng chú ý, tại Điều 41, Luật Điện ảnh năm 2022 quy định nội dung hoàn toàn mới về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan.
Luật Điện ảnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023, thay thế Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2009/QH12, Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 61/2020/QH14.
3. Luật Thi đua khen thưởng
Ngày 15/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 số 06/2022/QH15.
Luật này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng; đối tượng áp dụng đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài.
Theo đó, Luật này đã bổ sung các nguyên tắc khen thưởng như sau: thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, Luật này thay đổi căn cứ xét thi đua bao gồm: phong trào thi đua; tích thi đua; tiêu chuẩn danh hiệu thi đua. Như vậy, so với hiện hành đã bỏ đi căn cứ “Đăng ký tham gia thi đua”.
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, thay thế Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2005/QH11, Luật số 32/2009/QH12 và Luật số 39/2013/QH13.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Ngày 16/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15.
Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ; bổ sung nội dung về tác giả, đồng tác giả; bổ sung quyền nhân thân của tác giả; bổ sung các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; thay đổi trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan; bổ sung hình thức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả; bổ sung quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước…
Trong đó, nội dung về tác giả, đồng tác giả được Luật này bổ sung như sau:
Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả; người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả; việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
5. Luật Kinh doanh Bảo hiểm
Ngày 16/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
Luật này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng; cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Luật này cũng phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.

Ánh Ngọc

Các tin khác